Ngành Công tác xã hội (Mã ngành: 7760101)

17582

Ngành Công tác Xã hội đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những nhóm người yếu thế trong xã hội.

Đây là ngành học dành cho những bạn có đam mê giúp đỡ cộng đồng, thích công việc tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho những người gặp khó khăn.

Vậy ngành Công tác xã hội học gì, làm gì sau khi ra trường, có dễ xin việc không?

Hãy cùng tôi tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

nganh cong tac xa hoi
Hãy học ngành Công tác xã hội nếu bạn muốn những người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn

1️⃣ Giới thiệu chung về ngành Công tác xã hội

Ngành Công tác xã hội là gì?

Ngành Công tác Xã hội là một lĩnh vực chuyên nghiệp hướng đến việc hỗ trợ, giúp đỡ những cá nhân, nhóm người hoặc cộng đồng gặp khó khăn để cải thiện cuộc sống, bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy công bằng xã hội.

Những cá nhân làm công tác xã hội thường đóng vai trò như cầu nối giữa các đối tượng yếu thế với những chính sách phúc lợi của Nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hoặc các tổ chức từ thiện.

Với sứ mệnh nhân văn vậy, ngành Công tác xã hội không chỉ giúp giải quyết các vấn đề cá nhân, mà còn tác động tích cực tới xã hội thông qua việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý, đào tạo kỹ năng và vận động chính sách.

Ngành Công tác xã hội có mã ngành là 7760101.

Trong tiếng Anh,

  • Ngành Công tác xã hội là Social Work.
  • Người làm Công tác xã hội là Social Worker.
  • Nhân viên Công tác xã hội là Social Work Officer.

Vai trò và ý nghĩa của ngành Công tác xã hội

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng và các vấn đề xã hội như bạo lực gia đình, trẻ em bị bỏ rơi, người cao tuổi không nơi nương tựa ngày càng trở nên phổ biến.

Đây chính là lúc những người làm công tác xã hội phát huy vai trò của mình:

✅ Hỗ trợ cá nhân và gia đình: Giúp đỡ người gặp khó khăn tìm kiếm công việc, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và hỗ trợ tài chính;
✅ Tư vấn tâm lý – xã hội: Giúp người gặp khủng hoảng tâm lý tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống;
✅ Xây dựng và phát triển cộng đồng: Tham gia tổ chức các chương trình từ thiện, hỗ trợ người vô gia cư, giúp trẻ em nghèo tiếp cận giáo dục;
✅ Bảo vệ quyền lợi xã hội: Làm việc với các tổ chức nhân quyền, chính phủ để đề xuất chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế.

Nhờ những đóng góp ý nghĩa này, ngành Công tác xã hội không chỉ giúp đỡ từng cá nhân mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cả cộng đồng.

Những đối tượng chính mà ngành Công tác xã hội hỗ trợ

Những người làm trong ngành Công tác xã hội làm việc với nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm:

👶 Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Trẻ mồ côi, trẻ bị bạo hành, trẻ em đường phố.

👵 Người cao tuổi: Những người già neo đơn, không có người thân chăm sóc.

🦽 Người khuyết tật: Hỗ trợ họ trong cuộc sống để họ có cơ hội làm việc và hòa nhập với cộng đồng.

🤕 Người gặp khủng hoảng về tâm lý: Những người bị trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm lý.

💰 Người nghèo, vô gia cư: Hỗ trợ tìm việc làm, chỗ ở và các chính sách phúc lợi xã hội.

🚨 Người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh: Tham gia các chương trình cứu trợ, tái định cư.

Nhìn chung thì ngành Công tác xã hội không chỉ là một công việc, mà trên cả là một sứ mệnh cao cả dành cho những ai mong muốn đóng góp cho xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người kém may mắn.

2️⃣ Các trường đại học và điểm chuẩn ngành Công tác xã hội

Nếu bạn đang có ý định xét tuyển vào ngành Công tác xã hội, việc lựa chọn một ngôi trường phù hợp là điều vô cùng quan trọng.

Các trường đào tạo ngành Công tác xã hội tại Việt Nam

Dưới đây, chúng tôi đã tổng hợp đầy đủ danh sách các trường đào tạo ngành Công tác xã hội, kèm theo điểm chuẩn mới nhất năm 2024 của ngành theo từng trường, giúp bạn có nhiều lựa chọn hơn khi xét tuyển.

✅ Các trường đại học ngành Công tác Xã hội

TTTên trườngĐiểm chuẩn
Miền Bắc
1Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN24.39-27.94
2Trường Đại học Thủ đô Hà Nội24.87
3Trường Đại học Sư phạm Hà Nội26.5
4Trường Đại học Công Đoàn23.75
5Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam25.5
6Trường Đại học Lao động – Xã hội25.25
7Trường Đại học Y tế công cộng21.5
8Học viện Phụ nữ Việt Nam22.25
9Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam15.9
10Học viện Báo chí và Tuyên truyền25.2-26.2
11Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương18
12Trường Đại học Hòa Bình17
13Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên16
14Trường Đại học Tân Trào23.5
15Trường Đại học Hải Phòng17
16Trường Đại học Hùng Vương18
Miền Trung
17Trường Đại học Đà Lạt17
18Trường Đại học Vinh18
19Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng24.68
20Trường Đại học Khoa học Huế16.25
21Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa15
22Trường Đại học Quy Nhơn20.25
Miền Nam
23Trường Đại học Tôn Đức Thắng29.45
24Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TPHCM24.49-27.15
25Trường Đại học Sư phạm TPHCM24.44
26Trường Đại học Mở TPHCM21.6
27Học viện Cán bộ TPHCM22
28Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long15
29Trường Đại học Đồng Tháp23.23
30Trường Đại học Trà Vinh15
31Trường Đại học Thủ Dầu Một21
32Trường Đại học Cửu Long15

Học ngành Công tác xã hội có cần giỏi không?

Không giống như các ngành kỹ thuật hay kinh tế, ngành Công tác xã hội không yêu cầu bạn phải quá giỏi về toán hay tư duy logic, mà quan trọng hơn cả là tố chất và đam mê giúp đỡ người khác.

Tuy nhiên, để theo học tốt ngành này, bạn cần phải có:

✔ Khả năng giao tiếp tốt
✔ Có tính kiên nhẫn và sự đồng cảm
✔ Có tư duy linh hoạt
✔ Có kỹ năng tổ chức và quản lý công việc

3️⃣ Các khối thi ngành Công tác xã hội

Có thể xét tuyển ngành Công tác xã hội theo khối nào?

Các bạn có thể sử dụng các tổ hợp xét tuyển sau để xét vào ngành Công tác xã hội nhé.

Các khối xét tuyển ngành Công tác xã hội vào các trường phía trên như sau:

  • Khối C00 (Văn, Sử, Địa)
  • Khối D01 (Văn, Toán, Anh)
  • Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
  • Khối A01 (Toán, Lý, Anh)
  • Khối D14 (Văn, Sử, Anh)
  • Khối D15 (Văn, Địa, Tiếng Anh)
  • Khối D66 (Văn, GDCD, Anh)
  • Khối D78 (Văn, KHXH, Anh)
  • Khối C19 (Văn, Sử, GDCD)
  • Khối C20 (Văn, Địa, GDCD)

4️⃣ Chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội

Ngành Công tác xã hội không chỉ đào tạo về cách giúp đỡ người khác mà còn trang bị kiến thức chuyên sâu về xã hội học, tâm lý học, luật pháp và các kỹ năng chuyên môn để làm việc với những nhóm đối tượng yếu thế.

Sinh viên theo học ngành này sẽ được đào tạo bài bản về phương pháp hỗ trợ, tư vấn và quản lý các dịch vụ xã hội để có thể làm việc hiệu quả trong các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, trung tâm bảo trợ xã hội, bệnh viện, trường học và nhiều địa điểm khác.

Mời các bạn tham khảo chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQGHCM.

Chi tiết chương trình như sau:

I. KIẾN THỨC GIÁO DỤC ĐẠI CƯƠNG
Thống kê xã hội
Môi trường và phát triển
Cơ sở văn hóa Việt Nam
Thực hành văn bản tiếng Việt
Lịch sử văn minh thế giới
Logic học đại cương
Xã hội học đại cương
Tâm lý học đại cương
Nhân học đại cương
Pháp luật đại cương
Mỹ học đại cương
Kinh tế học đại cương
Chính trị học đại cương
Tôn giáo học đại cương
Phương pháp nghiên cứu khoa học
Triết học Mác – Lênin
Kinh tế chính trị Mác – Lênin
Chủ nghĩa xã hội khoa học
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh
II. KIẾN THỨC CƠ SỞ NGÀNH
Công tác xã hội đại cương
Luật hôn nhân và gia đình
Luật lao động
Phát triển học
Phương pháp nghiên cứu trong công tác xã hội
Quyền trẻ em
Sức khỏe cộng đồng
Tâm thần học
Tâm lý học phát triển
Tội phạm học
Hành vi con người và môi trường xã hội
Kỹ năng cơ bản trong tổ chức và phát triển cộng đồng
Nhập môn Phát triển cộng đồng
Lý thuyết Công tác xã hội
Tâm lý học nhân cách
Giới trong Công tác xã hội
Phân tích dữ liệu nghiên cứu
Tâm lý học xã hội
Chính sách xã hội
III. KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH
An sinh xã hội và các vấn đề xã hội
Các vấn đề xã hội đô thị và nông thôn
CTXH trong lĩnh vực pháp luật và tội phạm
CTXH trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần
CTXH trong trường học
Công tác xã hội cá nhân
CTXH với các khu lao động
CTXH với gia đình và trẻ em
CTXH với người cao tuổi
CTXH với người khuyết tật
CTXH với người nhiễm HIV/AIDS
Công tác xã hội nhóm
CTXH y tế – bệnh viện
Dịch vụ xã hội
Quản lý trường hợp
Quản trị ngành CTXH
Tham vấn
Tiếng Anh chuyên ngành I
Tiếng Anh chuyên ngành II
Tổ chức và phát triển cộng đồng
Phát triển kinh tế cộng đồng
Quản lý môi trường và tài nguyên dựa vào cộng đồng
Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng
Thực hành phát triển cộng đồng
Công tác xã hội với người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT)
Tổ chức cộng đồng
Thiết kế và quản lý dự án CTXH
Tham vấn 2
Chính sách phát triển kinh tế xã hội
Phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số
Thực hành tham vấn tâm lý
Tham vấn thanh thiếu niên
Tham vấn cho người khuyết tật
Tham vấn hướng nghiệp
Phát triển cộng đồng ở Việt Nam
Khoa học chẩn đoán tâm lý
Tâm bệnh học
Tham vấn học đường
Quản lý Stress với nhân viên Công tác xã hội
IV. KIẾN THỨC BỔ TRỢ
Thực hành hỗ trợ Nâng cao năng lực CĐ1
Tư duy phản biện
Kỹ năng truyền thông và giao tiếp
Giao tiếp và lễ tân đối ngoại
Nhập môn quan hệ công chúng
Nghiệp vụ thư ký văn phòng
Đại cương khoa học quản lý
V. THỰC TẬP TỐT NGHIỆP
Thực tập I
Thực tập II
Thực tập III
Thực tập tốt nghiệp

5️⃣ Học ngành Công tác xã hội có khó không?

Ngành Công tác xã hội không đòi hỏi tư duy toán học hay kỹ thuật phức tạp giống các ngành STEAM, nhưng lại yêu cầu sự kiên trì, lòng nhân ái và khả năng giao tiếp tốt.

Bởi vậy, dù không quá khó về mặt lý thuyết, ngành này lại có những thử thách đặc biệt mà bạn cần vượt qua.

Vậy học ngành Công tác xã hội có khó không? Cần chuẩn bị những gì để học tốt?

Những thử thách khi học ngành Công tác xã hội

Phải tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh éo le

Làm công tác xã hội, bạn có thể phải thường xuyên tiếp xúc với những người có hoàn cảnh rất rất khó khăn như trẻ em bị bỏ rơi, người vô gia cư, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, nạn nhân của bạo lực gia đình…

Những câu chuyện đau lòng có thể ảnh hưởng tới tâm lý của bạn nếu bạn không biết cách kiểm soát cảm xúc.

Để vượt qua thử thách này, bạn cần học cách giữ vững tâm lý và phân biệt rõ cảm xúc cá nhân và công việc.

Yêu cầu thực hành nhiều, không chỉ học lý thuyết

Sinh viên ngành Công tác xã hội không chỉ học trong lớp mà còn phải đi thực tập thực tế tại các bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội, các tổ chức phi chính phủ ngay từ năm 2 hay năm 3.

Công việc thực tế đôi khi vất vả hơn nhiều so với những gì bạn được học trên ghế nhà trường, đòi hỏi bạn phải kiên trì và thích nghi tốt với hoàn cảnh.

Cần hiểu biết về nhiều lĩnh vực khác nhau

Ngoài những kiến thức về xã hội học, tâm lý học, bạn còn phải học về luật pháp, chính sách xã hội, kỹ năng quản lý, tư vấn tâm lý, giáo dục…

Điều này có thể khiến bạn cảm thấy “ngợp” nếu không có kế hoạch học tập hợp lý.

Thu nhập ban đầu không quá cao

Khi mới ra trường, mức lương của các nhân viên công tác xã hội tại các tổ chức có thể không cao bằng các ngành kinh tế, công nghệ.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm việc và khả năng thăng tiến, bạn có thể tìm kiếm các vị trí công việc tốt hơn trong các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan nhà nước.

Vậy làm sao để học tốt ngành Công tác xã hội?

Xây dựng tư duy thực tế, không chỉ học lý thuyết suông

Ngành Công tác xã hội không thể chỉ học qua sách vở mà bạn cần tham gia thực tế nhiều nhất có thể.

Hãy chủ động xin thực tập tại các tổ chức, tham gia các chương trình tình nguyện để tích lũy kinh nghiệm.

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp và lắng nghe

Công tác xã hội đòi hỏi bạn phải giao tiếp với nhiều người, từ trẻ em, người già, người khuyết tật cho tới cán bộ chính quyền, bác sĩ, giáo viên…

Hãy tham gia các khóa học về kỹ năng giao tiếp, tâm lý học để nâng cao khả năng đồng cảm và thấu hiểu người khác.

Học cách quản lý công việc và cảm xúc cá nhân

Bạn hãy sắp xếp công việc một cách hợp lý để tránh bị quá tải khi tham gia nhiều dự án cùng lúc.

Ngoài ra, bạn cũng nên học cách kiểm soát cảm xúc cá nhân, tránh để các câu chuyện buồn ảnh hưởng quá nhiều tới tâm lý.

Trang bị kiến thức về luật pháp và chính sách xã hội

Nắm vững các chính sách bảo trợ xã hội, luật trẻ em, luật lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn khi hỗ trợ người dân.

Đọc thêm các tài liệu về các chương trình phúc lợi xã hội, luật hỗ trợ người khuyết tật, các chính sách dành cho người yếu thế trong xã hội.

Xây dựng mạng lưới quan hệ trong ngành

Ngành Công tác xã hội phụ thuộc rất nhiều vào việc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, chính phủ.

Hãy tham gia các hội thảo, workshop, sự kiện về công tác xã hội để mở rộng mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.

Một số chia sẻ kinh nghiệm từ sinh viên ngành Công tác xã hội

“Ban đầu, mình nghĩ công tác xã hội chỉ là giúp đỡ người khác, nhưng khi học rồi mới thấy nó cần rất nhiều kỹ năng, từ tâm lý, giao tiếp, luật pháp, quản lý… Nhưng nếu có đam mê thì không hề khó!” – Chia sẻ từ bạn Nguyễn Minh Trang, sinh viên ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TPHCM)

“Công việc này có thể hơi vất vả, nhưng đổi lại khi mình nhìn thấy những em bé mồ côi được đến trường, người vô gia cư tìm được chỗ ở, mình cảm thấy rất hạnh phúc và ý nghĩa vô cùng!” – Chia sẻ từ bạn Lê Hoàng Nam, nhân viên công tác xã hội tại một tổ chức phi chính phủ.

“Lương ngành này không quá cao lúc mới ra trường, nhưng nếu bạn có năng lực, có thể xin vào các tổ chức phi chính phủ hoặc làm giảng viên, lúc đó thu nhập khá ổn định!” – Chia sẻ của anh Trần Thanh Hải, giảng viên ngành Công tác xã hội.

Tổng kết lại, học ngành công tác xã hội sẽ:

📌 KHÔNG KHÓ, nếu bạn:

✅ Thích giúp đỡ cộng đồng
✅ Biết cách lắng nghe, thấu hiểu người khác
✅ Sẵn sàng làm việc thực tế, học hỏi kinh nghiệm
✅ Biết kiểm soát cảm xúc, không để áp lực công việc ảnh hưởng tới bản thân

📌 RẤT KHÓ, nếu bạn:

❌ Người hướng nội, không thích tiếp xúc với người khác
❌ Chỉ muốn một công việc văn phòng nhàn hạ, ít áp lực
❌ Không đủ kiên nhẫn khi làm việc với những đối tượng yếu thế
❌ Không quan tâm đến những vấn đề xã hội, chính sách phúc lợi.

👉 Chốt lại, nếu bạn có đam mê và sẵn sàng học hỏi, ngành Công tác xã hội sẽ là một lựa chọn đầy ý nghĩa, mang lại nhiều giá trị cho bản thân và cộng đồng.

6️⃣ Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp

Ngành Công tác xã hội không chỉ mang đến cơ hội giúp đỡ cộng đồng mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, tổ chức phi chính phủ, chính sách xã hội, phúc lợi cộng đồng…

Vậy cụ thể ngành Công tác xã hội ra trường làm gì? Mức lương ra sao? Có dễ xin việc không?

Các vị trí công việc phổ biến của ngành Công tác xã hội

Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm việc tại nhiều đơn vị khác nhau như cơ quan chính phủ, bệnh viện, trường học, trung tâm bảo trợ xã hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp…

Dưới đây là những công việc cụ thể bạn có thể đảm nhận:

🏥 Nhân viên công tác xã hội trong các bệnh viện 

Các công việc chính:

  • Hỗ trợ bệnh nhân và gia đình tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm, chính sách phúc lợi.
  • Hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vượt qua khủng hoảng tâm lý.
  • Hợp tác với bác sĩ, điều dưỡng để tư vấn, hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân.

Nơi làm việc: Các bệnh viện công, bệnh viện tư, các trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

🏘️ Cán bộ tư vấn tại trung tâm hỗ trợ cộng đồng 

Các công việc chính:

  • Hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em mồ côi tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
  • Tư vấn, tham vấn tâm lý cho người có hoàn cảnh khó khăn.
  • Lập kế hoạch và tổ chức các chương trình hỗ trợ cộng đồng.

Nơi làm việc: Trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm trợ giúp pháp lý, hội chữ thập đỏ, hội phụ nữ…

🌍 Chuyên viên tại các tổ chức phi chính phủ 

Các công việc chính:

  • Tham gia các dự án hỗ trợ trẻ em, người tị nạn, người gặp thiên tai, phụ nữ bị bạo hành.
  • Xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, giáo dục, sức khỏe.
  • Kết nối nguồn tài trợ, quản lý quỹ hỗ trợ từ thiện.

Nơi làm việc: Oxfam, Save the Children, UNICEF, CARE International, Plan International…

📜 Chuyên viên chính sách xã hội 

Các công việc chính:

  • Tham gia xây dựng và thực thi các chính sách an sinh xã hội.
  • Đề xuất các chương trình hỗ trợ người nghèo, người yếu thế
  • Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để triển khai dự án cộng đồng.

Nơi làm việc: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và xã hội, các tổ chức phi chính phủ.

🎓 Giáo viên, giảng viên ngành Công tác xã hội 

Các công việc chính:

  • Giảng dạy, đào tạo sinh viên ngành Công tác xã hội tại các trường đại học, cao đẳng.
  • Hướng dẫn sinh viên thực hành, nghiên cứu về công tác xã hội
  • Viết tài liệu nghiên cứu, giáo trình giảng dạy.

Nơi làm việc: Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo về giáo dục có tuyển dụng.

🗣️ Chuyên viên tham vấn, tư vấn tại các tổ chức phi lợi nhuận 

Các công việc chính:

  • Tư vấn tâm lý, hỗ trợ tinh thần cho trẻ em, người già, người bị bạo lực gia đình.
  • Hướng dẫn người lao động tiếp cận các chính sách bảo hiểm, trợ cấp xã hội.
  • Làm việc với chính quyền địa phương để đảm bảo quyền lợi cho người yếu thế.

Nơi làm việc: Các tổ chức xã hội, trung tâm tư vấn tâm lý, tổ chức từ thiện.

Nhu cầu nhân lực của ngành Công tác xã hội hiện nay

Công tác xã hội là một trong những ngành có nhu cầu nhân lực ngày càng cao, đặc biệt trong bối cảnh nhiều vấn đề xã hội đang diễn ra như già hóa dân số, trẻ em bị bỏ rơi, vấn đề bạo lực gia đình và ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh…

Theo thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay có hơn 10 triệu người khuyết tật, hơn 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng số lượng nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp vẫn còn rất ít.

Điều này đã mở ra cơ hội việc làm lớn đối với sinh viên ngành học này.

Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cũng luôn tìm kiếm nhân sự có chuyên môn về công tác xã hội để tham gia vào các dự án hỗ trợ cộng đồng.

Tóm cái váy lại, nếu bạn thích làm việc với người khác, muốn tạo ra tác động tích cực cho xã hội thì ngành công tác xã hội chính là một sự lựa chọn đúng đắn.

Mức lương ngành công tác xã hội có cao không?

Mức lương của các công việc trong ngành công tác xã hội phụ thuộc vào vị trí công việc, nơi làm việc cũng như kinh nghiệm của từng người.

Dưới đây là một số mức lương để các bạn tham khảo:

  • Nhân viên công tác xã hội tại bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội: Từ 7-12 triệu/tháng.
  • Chuyên viên tại các tổ chức phi chính phủ: Từ 10-25 triệu/tháng, tùy dự án và tổ chức.
  • Giảng viên ngành Công tác xã hội: Từ 12-20 triệu/tháng
  • Chuyên viên chính sách xã hội: Từ 9-15 triệu/tháng
  • Chuyên viên tư vấn, tham vấn tâm lý: Từ 8-15 triệu/tháng.

Với các dự án quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, mức lương có thể lên tới 35-50 triệu/tháng tùy theo vị trí công tác.

Vậy ngành Công tác xã hội có dễ xin việc không?

Câu trả lời là CÓ, bởi vì:

  • Nhu cầu nhân lực lớn, đặc biệt là tại các bệnh viện, tổ chức từ thiện, trung tâm bảo trợ xã hội.
  • Có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, chính sách, tổ chức phi chính phủ…
  • Cơ hội làm việc cho các tổ chức quốc tế với mức thu nhập hấp dẫn.
  • Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể bắt đầu từ vị trí nhân viên hỗ trợ và dần phát triển lên các ví quản lý sau này.

👉 Và nếu bạn có lòng yêu thương con người, muốn được giúp đỡ cộng đồng thì ngành Công tác xã hội chính là một lựa chọn đầy ý nghĩa.

7️⃣ Các tố chất cần có để học ngành Công tác xã hội

Ngành Công tác xã hội không chỉ đòi hỏi về kiến thức chuyên môn mà còn yêu cầu những tố chất đặc biệt để có thể làm tốt công việc hỗ trợ cộng đồng.

Đây là ngành học dành cho những người có tấm lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm và khả năng giao tiếp tốt.

Nếu bạn đang cân nhắc theo đuổi ngành này, hãy xem mình có phù hợp với những tố chất sau không nhé.

Lòng nhân ái, tinh thần yêu thương con người

💖 Công tác xã hội là ngành học liên quan trực tiếp đến con người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, gặp tổn thương trong cuộc sống.

Bởi vậy, một trái tim nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ và đồng cảm với người khác là yếu tố quan trọng nhất.

✅ Bạn có thường cảm thấy xúc động trước những câu chuyện về trẻ em mồ côi, người vô gia cư hay bệnh nhân mắc ung thư không?

✅ Bạn có mong muốn đóng góp cho cộng đồng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn không?

Nếu câu trả lời là có, vậy thì bạn đã có một trong những tố chất quan trọng nhất cần thiết để theo đuổi ngành này rồi.

Sự kiên nhẫn, chịu áp lực tốt

Làm việc trong ngành Công tác xã hội đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với rất nhiều trường hợp khó khăn, từ những người có hoàn cảnh nghèo khó cho tới những bệnh nhân trầm cảm, rối loạn tâm lý.

Không phải ai cũng dễ dàng thay đổi hay cải thiện tình trạng của mình ngay lập tức, bởi vậy người làm công tác xã hội rất cần sự kiên nhẫn và bền bỉ.

Kỹ năng giao tiếp và lắng nghe

Một trong những công việc quan trọng của người làm công tác xã hội đó chính là lắng nghe và đồng cảm.

Không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của mình, vì vậy bạn cần tạo dựng niềm tin, nói chuyện cởi mở và giúp họ cảm thấy được tôn trọng.

Một nhân viên công tác xã hội giỏi không chỉ biết nghe mà còn hiểu được cảm xúc ẩn sau lời nói, từ đó đưa ra những hướng giải quyết phù hợp nhất.

Kỹ năng quản lý thời gian và sắp xếp công việc

Một người làm công tác xã hội có thể phải xử lý nhiều trường hợp cùng một lúc, từ việc giúp trẻ em bị bạo hành, hỗ trợ người khuyết tật tìm việc cho tới tổ chức các chương trình từ thiện.

Vì vậy, nếu bạn không có khả năng sắp xếp công việc một cách khoa học, bạn sẽ rất dễ bị quá tải và mất cân bằng trong công việc.

📌 Dưới đây là một số gợi ý để rèn luyện kỹ năng này:

  • Sử dụng sổ tay hoặc app ghi chú để lập danh sách công việc cần làm.
  • Xác định mức độ ưu tiên của từng công việc.
  • Phân bổ thời gian hợp lý, tránh ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc.

Tư duy linh hoạt và khả năng giải quyết vấn đề

Công tác xã hội không có một khuôn mẫu cố định, mỗi trường hợp đều có hoàn cảnh khác nhau, và bạn sẽ cần linh hoạt trong cách xử lý để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Những người có tư duy linh hoạt, biết cách xử lý tình huống một cách sáng tạo sẽ dễ dàng thích nghi và đạt được kết quả tốt hơn trong công việc.

Khả năng làm việc nhóm và hợp tác với nhiều đơn vị

Trong ngành công tác xã hội, bạn không làm việc một mình mà phải phối hợp với nhiều đơn vị khác như bệnh viện, trường học, tổ chức phi chính phủ, cơ quan chính phủ để mang lại sự hỗ trợ toàn diện nhất cho đối tượng cần giúp đỡ.
Một số ví dụ về làm việc nhóm trong ngành:

  • Phối hợp với bác sĩ tâm lý giúp đỡ bệnh nhân trầm cảm
  • Làm việc với giáo viên để hỗ trợ trẻ em nghèo có cơ hội đến trường
  • Kết nối với các tổ chức từ thiện để tổ chức các chương trình cứu trợ thiên tai

Nếu bạn là người cởi mở, có tinh thần hợp tác và thích làm việc với nhiều người, bạn sẽ có lợi thế rất lớn khi theo đuổi ngành này.

Sẵn sàng đối mặt với những tình huống khó khăn

Công tác xã hội không chỉ là những câu chuyện đẹp, mà còn nhiều mặt tối nữa.
Bạn có thể phải đối mặt với những trường hợp bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em, người vô gia cư sống trong điều kiện khắc nghiệt, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo

Điều quan trọng là bạn phải giữ được tinh thần vững vàng, không để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến quyết định của mình.

Một số lời khuyên:

  • Hãy học cách kiểm soát cảm xúc cá nhân, không để nó ảnh hưởng tới công việc.
  • Nhờ sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, chuyên gia tâm lý khi gặp phải những trường hợp khó khăn quá.

Luôn nhớ rằng, mục tiêu của mình là giúp đỡ người khác chứ không phải gánh chịu nỗi đau thay họ.

8️⃣ Những hiểu lầm phổ biến về ngành Công tác xã hội

Ngành Công tác xã hội là một ngành học ý nghĩa, mang lại giá trị lớn cho cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều hiểu lầm về ngành này, khiến không ít người e ngại khi lựa chọn theo học.

Trong phần này, tôi sẽ cùng các bạn giải đáp những hiểu lầm phổ biến để bạn có cái nhìn đúng đắn hơn về ngành học này.

Hiểu lầm 1: Ngành Công tác xã hội chỉ làm từ thiện, không có lương

🛑 Sự thật: Công tác xã hội không phải là làm từ thiện! Đây là một ngành nghề chuyên nghiệp, yêu cầu kiến thức chuyên môn về tâm lý, luật pháp, chính sách xã hội và kỹ năng thực hành.

Các công việc của người làm công tác xã hội bao gồm:

  • Tư vấn tâm lý, hỗ trợ người gặp khó khăn
  • Làm việc tại bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội, tổ chức phi chính phủ
  • Xây dựng chính sách hỗ trợ các nhóm người yếu thế trong xã hội
  • Quản lý dự án phúc lợi xã hội, cứu trợ nhân đạo.

💰 Về mức lương:

  • Lương của nhân viên công tác xã hội tại Việt Nam dao động từ 7-12 triệu/tháng.
  • Nếu làm việc trong các tổ chức phi chính phủ hoặc quốc tế, mức lương có thể từ 15-50 triệu/tháng tùy vị trí.

➡️ Công tác xã hội là một nghề được trả lương đầy đủ, có cơ hội phát triển chứ không phải đi làm không công!

Hiểu lầm 2: Ngành Công tác xã hội chỉ dành cho những người thích giúp đỡ người khác

🛑 Sự thật: Dù lòng nhân ái là một yếu tố quan trọng, nhưng chỉ có lòng tốt là chưa đủ để theo ngành Công tác xã hội đâu các bạn à.

Công việc này đòi hỏi bạn phải có kiến thức về xã hội học, tâm lý học, kỹ năng giao tiếp, tư vấn, tham vấn tâm lý, kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, sự kiên nhẫn, tâm lý vững vàng…

➡️ Công tác xã hội không chỉ cần lòng tốt, bạn còn cần có kiến thức chuyên môn và kỹ năng đầy đủ để làm tốt công việc này.

Hiểu lầm 3: Học ngành Công tác xã hội ra trường rất khó xin việc

🛑 Sự thật: Công tác xã hội đang là một trong những ngành học có nhu cầu nhân lực cao tại Việt Nam và thế giới.

Chính phủ đang mở rộng các chương trình an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người yếu thế.

Các tổ chức phi chính phủ như UNICEF, Oxfam, Save the Children… liên tục tuyển dụng nhân viên công tác xã hội.

➡️ Công tác xã hội có rất nhiều cơ hội việc làm, quan trọng là bạn có chủ động tìm kiếm và nâng cao kỹ năng của mình hay không.

Hiểu lầm 4: Làm công tác xã hội sẽ bị áp lực tâm lý, dễ bị stress

🛑 Sự thật: Đúng là ngành Công tác xã hội có những áp lực, nhưng nếu biết cách quản lý cảm xúc, bạn sẽ làm việc hiệu quả mà không bị ảnh hưởng tâm lý.

Bạn có thể học cách vượt qua áp lực bằng cách học cách kiểm soát cảm xúc, tìm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, chuyên gia tâm lý, giữ cân bằng cuộc sống, tham gia các hoạt động vui chơi, thư giãn.

Hãy nhớ rằng, bạn không thể giúp tất cả mọi người, nhưng bạn có thể tạo ra sự thay đổi tích cực.

➡️ Ngành Công tác xã hội có thể gây áp lực, nhưng nếu biết cách cân bằng cảm xúc và tìm sự hỗ trợ, bạn hoàn toàn có thể làm tốt mà không bị stress quá mức.

Hiểu lầm 5: Chỉ có phụ nữ mới phù hợp làm công tác xã hội

🛑 Sự thật: Ngành Công tác xã hội không phân biệt giới tính, cả nam và nữ đều có thể học ngành này.

Nam giới có nhiều lợi thế khi làm công tác xã hội như:

  • Khả năng xử lý các tình huống phức tạp, cần sức mạnh và sự kiên định.
  • Dễ dàng hỗ trợ các nhóm đối tượng đặc thù như người nghiện “mai thúy”, người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.
  • Giúp cân bằng lực lượng trong ngành, vì hiện tại số lượng nữ giới làm công tác xã hội vẫn chiếm đa số.

➡️ Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng có rất nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển trong ngành công tác xã hội.

9️⃣ Có nên học ngành Công tác xã hội không?

Ngành Công tác xã hội là một lĩnh vực đầy ý nghĩa, giúp đỡ những người yếu thế và tạo ra tác động tích cực cho xã hội.

Tuy nhiên, đây không phải là ngành dành cho tất cả mọi người.

Nếu bạn đang băn khoăn “Có nên học ngành Công tác xã hội không?”, hãy cùng tôi phân tích ưu điểm, thách thức, cơ hội nghề nghiệp để đưa ra quyết định đúng đắn.

Vì sao nên học ngành công tác xã hội?

>✅ Công việc mang lại giá trị nhân văn cao

  • Nếu bạn muốn giúp đỡ người khác, tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội thì đây là một ngành phù hợp.
  • Bạn sẽ có cơ hội hỗ trợ các trẻ em mồ côi, người vô gia cư, bệnh nhân trầm cảm, người già neo đơn… giúp họ có một cuộc sống tốt hơn.

✅ Cơ hội việc làm rộng mở

  • Công tác xã hội đang là ngành có nhu cầu nhân lực cao ở Việt Nam và thế giới.
  • Các bệnh viện, trường học, trung tâm bảo trợ xã hội, tổ chức phi chính phủ luôn cần nhân viên công tác xã hội.
  • Nếu giỏi ngoại ngữ, bạn có thể xin vào làm tại các tổ chức quốc tế như UNICEF, Oxfam, Save the Children, với mức lương hấp dẫn.

✅ Không yêu cầu tư duy toán học hay kỹ thuật phức tạp

  • Nếu bạn không giỏi các môn tự nhiên nhưng lại có khả năng giao tiếp, đồng cảm và lắng nghe, thì ngành học này sẽ là một lựa chọn phù hợp.
  • Chương trình học chủ yếu xoay quanh tâm lý học, xã hội học, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cộng đồng… dễ tiếp thu hơn so với các ngành kỹ thuật.

✅ Môi trường làm việc đa dạng, không nhàm chán

  • Bạn có thể làm việc tại bệnh viện, tổ chức phi chính phủ, trung tâm bảo trợ xã hội, doanh nghiệp, chính phủ…
  • Công việc không bị bó hẹp trong văn phòng, mà còn có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều hoàn cảnh khác nhau.

✅ Cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp tốt

Ban đầu, bạn có thể làm nhân viên hỗ trợ, nhưng sau vài năm kinh nghiệm, bạn có thể thăng tiến lên quản lý dự án, giám đốc chương trình xã hội, chuyên gia tư vấn cấp cao.

Nếu có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, bạn có thể trở thành giảng viên đại học hoặc chuyên gia hoạch định chính sách xã hội.

Những thách thức khi theo học ngành Công tác xã hội

❌ Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh thần thép

Bạn sẽ phải tiếp xúc với những câu chuyện đau lòng, những hoàn cảnh éo le, từ trẻ em bị bạo hành, người khuyết tật, bệnh nhân ung thư đến người vô gia cư.

Nếu không biết cách kiểm soát cảm xúc, bạn có thể dễ bị ảnh hưởng tâm lý.

❌ Lương khởi điểm không quá cao

Mức lương khởi điểm của nhân viên công tác xã hội thường chỉ dao động từ 7-12 triệu/tháng.

❌ Áp lực công việc cao, cần kỹ năng giải quyết vấn đề tốt

  • Bạn có thể phải làm việc trong tình huống khẩn cấp, xử lý nhiều trường hợp cùng một lúc.
  • Cần có khả năng quản lý thời gian, làm việc nhóm và tìm ra giải pháp nhanh chóng cho từng trường hợp.

🔟 Kết luận

Ngành Công tác xã hội không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mệnh cao cả, giúp những người yếu thế có cơ hội hòa nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Dù còn nhiều thách thức, đây vẫn là một lĩnh vực quan trọng và ngày càng có nhu cầu nhân lực cao hơn trong xã hội hiện đại.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan về ngành công tác xã hội. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy để lại bình luận hoặc gửi tin nhắn tới cho chúng tôi.

Chào Thân ái và Quyết thắng!!

Giang Chu
Xin chào, mình là một cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước đây công việc đầu tiên của mình có liên quan tới lĩnh vực giáo dục, mình cũng có tư vấn cho khá nhiều bạn học sinh để có những lựa chọn phù hợp nhất trước khi thi đại học và tính đến năm 2023 mình đã có 6 năm làm công việc tư vấn tuyển sinh.