Khác với hình ảnh quen thuộc của những người làm giáo dục mà chúng ta thường thấy (thầy cô giảng dạy trên lớp, giáo viên chủ nhiệm theo dõi từng buổi sinh hoạt), người làm trong ngành Quản lý giáo dục chính là người vận hành, tổ chức, đảm bảo rằng cả một hệ thống trường học có thể hoạt động suôn sẻ và hiệu quả.
Ngành này không cần bạn phải giỏi dạy học, nhưng cần bạn có tư duy tổ chức, kỹ năng giao tiếp, và trên hết là một trái tim đủ rộng lớn để quan tâm đến cả một môi trường giáo dục, chứ không chỉ là một bài giảng.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ: ngành Quản lý giáo dục là gì, học gì, làm gì, ra sao và quan trọng nhất là, liệu nó có phù hợp với bạn không.

1. NGÀNH QUẢN LÝ GIÁO DỤC LÀ GÌ?
Ngành Quản lý giáo dục là lĩnh vực đào tạo những người không trực tiếp dạy học, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, điều hành và cải tiến toàn bộ hệ thống giáo dục.
Nói cách khác, nếu giáo viên là người tiếp xúc với từng học sinh, thì người làm quản lý giáo dục là người tiếp xúc với cả một tập thể giáo viên và học sinh, thông qua hệ thống, chính sách và cách vận hành.
Cụ thể, ngành học này đào tạo bạn trở thành:
- Người xây dựng kế hoạch đào tạo, chương trình học
- Người giám sát, điều phối hoạt động dạy – học trong nhà trường
- Người kết nối giữa học sinh – giáo viên – phụ huynh – cấp quản lý
- Hoặc xa hơn, là người tham gia vào các tổ chức, dự án giáo dục với các quy mô khu vực, quốc gia, thậm chí là quốc tế.
Một hệ thống giáo dục tốt không chỉ cần giáo viên giỏi, mà cần người đứng sau để kết nối, tổ chức và đảm bảo mọi thứ vận hành đúng hướng. Đó chính là lý do ngành Quản lý giáo dục tồn tại và ngày càng cần thiết.
Ở Việt Nam hiện nay, khi giáo dục đang bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, từ chương trình học, cách đánh giá, đến mô hình trường học, nhu cầu về những người làm công tác quản lý có tâm, có tầm, có năng lực đang tăng cao rõ rệt.
2. NGÀNH HỌC NÀY PHÙ HỢP VỚI AI?
Ngành Quản lý giáo dục không đòi hỏi bạn phải có “hào quang chói sáng”, cũng chẳng cần giỏi toán – lý – hóa hay viết văn xuất thần. Nhưng lại rất cần một kiểu người đặc biệt, những người kiên nhẫn, có tầm nhìn và biết cách dẫn dắt mà không cần đứng trên bục giảng.
Hãy xem bạn có những “tín hiệu” dưới đây không nhé:
Người thích tổ chức hơn là thể hiện
Bạn không cần là người nổi bật nhất nhóm, nhưng lại luôn là người âm thầm lên kế hoạch, phân chia công việc để cả nhóm vận hành trơn tru.
Có khả năng quan sát và giải quyết vấn đề
Bạn thường là người phát hiện ra lớp đang thiếu dụng cụ học tập, lịch học bị trùng, hoặc thấy rõ nguyên nhân khiến một hoạt động nhóm gặp vấn đề.
Giao tiếp ổn, dù không hẳn là người hướng ngoại
Người làm quản lý giáo dục không cần nói nhiều, nhưng cần đúng lúc, đúng người, đúng cách. Biết lắng nghe và truyền đạt rõ ràng là một điểm cộng lớn.
Kiên nhẫn và có trách nhiệm với tập thể
Giáo dục là công việc bền bỉ, và quản lý giáo dục thì càng cần sự kiên nhẫn gấp bội. Nếu bạn từng là lớp phó học tập, bí thư hay từng tham gia tổ chức sự kiện trường lớp, bạn đã có chút “máu” của người làm nghề này rồi đấy.
Nếu bạn chọn làm “người cầm máy chiếu” cho buổi học thay vì làm “người đứng thuyết trình”, và bạn vẫn thấy mình đang góp phần làm nên điều gì đó giá trị thì có thể ngành học này phù hợp với bạn.
>> Xem thêm: Ngành Giáo dục học là gì? Học trường nào?
3. NGÀNH QUẢN LÝ GIÁO DỤC HỌC GÌ?
Bạn đừng nghĩ học Quản lý giáo dục là ngồi nghe giảng về… cách sắp xếp phòng học hay làm biên bản họp phụ huynh. Ngành học này không hề chán như nhiều người tưởng.
Trong 4 năm đại học, bạn sẽ được trang bị một nền tảng kiến thức rộng mở, vừa có màu sắc của quản trị, vừa gắn bó mật thiết với đặc thù của ngành giáo dục. Một số môn học tiêu biểu có thể kể đến:
Quản lý hành chính nhà nước về giáo dục → giúp hiểu được hệ thống điều hành giáo dục Việt Nam vận hành ra sao, ai làm gì, ở đâu.
Tâm lý học giáo dục và xã hội học giáo dục → học cách nắm bắt tâm lý người học, hiểu được động lực và hành vi trong môi trường giáo dục.
Tổ chức và quản lý nhà nước → Từ mô hình trường học đến điều phối nhân sự, ngân sách, hoạt động ngoại khóa…
Chính sách công và cải cách giáo dục → Hiểu các xu hướng đổi mới giáo dục, từ cấp bộ ngành đến cơ sở đào tạo.
Công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục → Ứng dụng phần mềm, dữ liệu để hỗ trợ quản trị giáo dục hiện đại.
>Ngoài ra, bạn còn được học:
- Kỹ năng xây dựng kế hoạch đào tạo
- Kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thuyết minh
- Kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo và giải quyết xung đột.
Thực tập sớm, thực tế nhiều
Thông thường, sinh viên ngành Quản lý giáo dục sẽ được thực tập tại các trường học, trung tâm giáo dục hoặc phòng đào tạo – nơi bạn được “va chạm” với công việc thực tế ngay từ năm 3 hoặc đầu năm 4.
>> Xem thêm: Ngành Giáo dục tiểu học là gì? Học những gì?
4. HỌC NGÀNH QUẢN LÝ GIÁO DỤC Ở ĐÂU?
Các trường đại học ngành Quản lý giáo dục
Bạn đã có hình dung cơ bản về ngành Quản lý giáo dục, vậy câu hỏi tiếp theo là: “Bạn muốn học ngành này thì nên nộp hồ sơ vào đâu?”
Hiện nay, ngành Quản lý giáo dục được đào tạo tại một số trường đại học sư phạm và giáo dục trên cả nước. Dưới đây là những lựa chọn dành cho bạn cân nhắc:
Các trường đào tạo ngành Quản lý giáo dục:
TT | Trường đại học | Khu vực | Điểm chuẩn 2024 |
1 | Trường Đại học Thủ đô Hà Nội | Hà Nội | 26.03 |
2 | Trường Đại học Sư phạm Hà Nội | Hà Nội | 27.9 |
3 | Học viện Quản lý giáo dục | Hà Nội | 15 |
4 | Đại học Bách khoa Hà Nội | Hà Nội | 24.78 |
5 | Trường Đại học Vinh | Nghệ An | 24 |
6 | Trường Đại học Quy Nhơn | Bình Định | 22.5 |
7 | Trường Đại học Sư phạm TPHCM | TPHCM | 25.22 |
8 | Trường Đại học Sài Gòn | TPHCM | 23.89 (D01), 24.89 (C04) |
9 | Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TPHCM | TPHCM | 24 – 26.9 |
10 | Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng | TPHCM | 16 |
Các khối thi ngành Quản lý Giáo dục
Với ngành Quản lý giáo dục, các bạn có thể sử dụng các khối thi sau để đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên mỗi trường sẽ có những tổ hợp khác nhau nên tốt nhất muốn biết chi tiết các bạn hãy click vào tên trường và tìm tới ngành Quản lý giáo dục nhé.
Các khối thi ngành Quản lý giáo dục bao gồm:
- Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
- Khối A01 (Toán, Lý, Anh)
- Khối C00 (Văn, Sử, Địa)
- Khối C04 (Toán, Văn, Địa)
- Khối C14 (Văn, Toán, GDCD)
- Khối C20 (Văn, Địa, GDCD)
- Khối D01 (Toán, Anh, Văn)
- Khối D14 (Văn, Anh, Sử)
- Khối D15 (Văn, Anh, Địa)
- Khối D78 (Văn, Anh, KHXH)
>> Xem thêm: Các khối thi đại học mới nhất năm 2025
Lưu ý: Tổ hợp xét tuyển có thể khác nhau tùy từng trường. Hãy dõi thông tin tuyển sinh mới nhất của các trường trên TrangEdu để nắm được thông tin mới và chính xác nhất.
Tóm lại, ngành Quản lý giáo dục không phổ biến như các ngành Kinh tế, Công nghệ, nhưng lại có sự chọn lọc riêng. Người chọn ngành này thường không đông, nhưng lại rất bền.
5. CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP NGÀNH QUẢN LÝ GIÁO DỤC
Một trong những điều khiến nhiều bạn đắn đo khi chọn ngành Quản lý giáo dục là “Ra trường thì… làm gì?”
Câu trả lời là: khá nhiều công việc khác nhau, và không chỉ giới hạn trong các trường học như bạn nghĩ.
Làm trong trường học, nhưng không phải là giáo viên
Bạn có thể đảm nhận các vị trí như:
- Cán bộ phòng đào tạo: Lên kế hoạch học tập, tổ chức lịch học, thi, quản lý chương trình đào tạo.
- Chuyên viên phòng công tác học sinh, sinh viên: Hỗ trợ hoạt động ngoại khóa, tư vấn học đường, theo dõi tình hình rèn luyện.
- Nhân sự quản lý học vụ, học chính, khảo thí: Công việc thiên về tổ chức, giám sát, không giảng dạy nhưng cực kỳ cần thiết.
Các vị trí này có cả ở trường công lập lẫn tư thục, từ mầm non đến đại học.
Làm việc tại cơ quan, tổ chức giáo dục, quản lý nhà nước
- Làm việc tại Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo các cấp, hoặc các cơ quan của Bộ GD&ĐT.
- Tham gia vào công tác kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý chương trình đào tạo, cải tiến hệ thống.
- Làm việc tại tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, dự án phát triển giáo dục trong nước hoặc quốc tế.
Đây là môi trường phù hợp nếu bạn yêu thích mô hình tổ chức, chính sách và mong muốn có ảnh hưởng ở quy mô rộng.
Làm việc tại các tổ chức đào tạo ngoài nhà trường
- Trung tâm kỹ năng, học viện đào tạo doanh nghiệp, hệ thống giáo dục tư nhân
- Vị trí: Điều phối đào tạo, xây dựng chương trình, quản lý giảng viên, học viên, chăm sóc học viên…
Ngành học này cũng có thể giúp bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng mềm, tư vấn hướng nghiệp, hay phát triển nền tảng học tập trực tuyến nếu bạn thích sự đổi mới.
Tương lai nghề nghiệp ổn định, nhiều hướng phát triển
Đây là ngành học có biên độ phát triển dài hạn, ít bị ảnh hưởng bởi xu hướng “hot”, hết “hot”..
Nếu bạn có định hướng học lên cao học, nghiên cứu hoặc thi vào biên chế nhà nước, ngành này sẽ là lựa chọn bền vững và an toàn.
6. MỨC LƯƠNG VÀ TRIỂN VỌNG NGHỀ NGHIỆP
Đây có thể không phải là ngành học mang lại mức thu nhập “ngất ngưởng” ngay sau khi ra trường, nhưng nếu bạn coi sự bền vững, ổn định và có ý nghĩa là ưu tiên trong sự nghiệp, thì mức lương của ngành Quản lý giáo dục là hoàn toàn chấp nhận được, và có thể tăng trưởng theo thời gian.
Mức lương khởi điểm ra sao?
Tùy vào vị trí và môi trường làm việc, mức lương khởi điểm của cử nhân ngành Quản lý giáo dục thường dao động từ:
- 7-10 triệu đồng/tháng tại các trường tư thục, trung tâm đào tạo, tổ chức giáo dục ngoài công lập.
- 5-7 triệu đồng/tháng nếu làm việc trong hệ thống công lập, chưa vào biên chế (thường theo hệ số lương, phụ cấp).
Nếu bạn làm tại các cơ sở giáo dục quốc tế, hoặc có thể giao tiếp tiếng Anh tốt, mức lương có thể cao hơn, thậm chí từ 12-15 triệu trở lên với vị trí điều phối hoặc quản lý lớp.
Triển vọng tăng trưởng thế nào?
Lương của người làm trong ngành này không tăng theo “sức bật thị trường” mà theo:
- Kinh nghiệm thực tế
- Khả năng tổ chức và điều phối
- Trình độ chuyên môn, có bằng thạc sĩ là lợi thế rõ rệt
- Mức độ đổi mới và hiệu quả công việc
Với 3-5 năm kinh nghiệm, bạn có thể vươn lên các vị trí như trưởng/phó phòng đào tạo, điều phối học thuật, quản lý chương trình, và thu nhập có thể được 15-20 triệu đồng/tháng.
Triển vọng nghề nghiệp trong dài hạn
Giáo dục luôn là lĩnh vực thiết yếu trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào.
Khi hệ thống giáo dục Việt Nam đang chuyển mình theo hướng hiện đại hóa, số hóa và cá nhân hóa, nhu cầu về những người làm quản lý giáo dục giỏi chuyên môn, hiểu hệ thống, có tư duy cải tiến sẽ ngày càng tăng.
Cơ hội làm việc không chỉ trong nước mà còn ở các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, các chương trình hợp tác quốc tế về giáo dục.
Tóm lại: Mức lương khởi điểm không quá cao, nhưng ngành Quản lý giáo dục giống như đầu tư dài hạn, ai đủ kiên nhẫn, không ngại học hỏi và nâng cấp bản thân, người đó sẽ gặt được trái ngọt.
7. NGÀNH HỌC NÀY KHÔNG DÀNH CHO AI?
Không phải ai thích giáo dục cũng nên học ngành Quản lý giáo dục. Đây là ngành học mang tính bền bỉ, âm thầm và tổ chức, không hợp với những bạn thích sự sôi động hay kết quả tức thì.
Nếu bạn có một vài đặc điểm dưới đây, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đặt búi đăng ký ngành này:
Bạn thiếu kiên nhẫn, dễ chán nản với những thứ “hành là chính”
Quản lý giáo dục gắn liền với kế hoạch, giấy tờ, quy trình, từ việc lập thời khóa biểu đến kiểm tra kết quả học tập, từ tổ chức hoạt động đến làm báo cáo tổng kết. Nếu bạn ghét các công việc sổ sách, bạn sẽ rất dễ cảm thấy nhàm chán.
Bạn muốn một công việc tăng lương nhanh, thu nhập “bốc đầu” sau khi ra trường
Đây không phải là ngành dành cho người thích “leo rank lương” nhanh chóng. Tăng trưởng thu nhập thường gắn với thâm niên, trình độ chuyên môn, sự tin cậy, chứ không phải vì có một ý tưởng đột phá hay trend mới.
Bạn không muốn làm việc với tập thể, hoặc ngại va chạm
Ngành này yêu cầu bạn phải tương tác rất nhiều với giáo viên, học sinh, phụ huynh, quản lý, đối tác… Nếu bạn chỉ muốn làm việc độc lập, không thích giao tiếp, dễ mệt vì cảm xúc của người khác, đây sẽ là một hành trình mệt mỏi.
Bạn thích làm nghề có tính sáng tạo cao hoặc thiên về nghệ thuật, biểu diễn
Dù công việc quản lý cũng cần linh hoạt và đổi mới, nhưng nó không phải là mảnh đất lý tưởng để bạn “bung lụa” theo kiểu tự do sáng tạo. Nó đòi hỏi bạn phải bám sát thực tế, số liệu và quy trình.
Tóm lại: Ngành Quản lý giáo dục không phải dành cho số đông, càng không dành cho người nóng vội. Nó dành cho những người lặng lẽ, logic, có tâm với giáo dục và có tố chất tổ chức.
>> Tìm hiểu thêm về ngành Giáo dục Chính trị
8. LỜI KẾT – CÓ NÊN HỌC NGÀNH QUẢN LÝ GIÁO DỤC KHÔNG?
Có những người làm giáo dục bằng bảng phấn trắng, bảng đen. Và cũng có những người làm giáo dục bằng sơ đồ tổ chức, bằng lịch họp, bằng bảng tính kế hoạch đào tạo, bằng những dòng mail gửi đi đúng lúc để cả một hệ thống trường học không đi chệch hướng.
Nếu bạn không muốn đứng trên bục giảng, nhưng vẫn muốn góp phần thay đổi môi trường học tập, cải thiện trải nghiệm giáo dục cho hàng trăm, hàng ngàn học sinh, thì ngành Quản lý giáo dục có thể là nơi bạn thuộc về.
Ngành học này không màu mè, không ồn ào. Nhưng nó lại dành cho những người đủ kiên định, đủ tỉ mỉ, đủ tâm với nghề để đi đường dài.
Đừng nên chọn ngành “hot”, hãy chọn ngành phù hợp nhất với mình.
Và nếu bạn vẫn còn phân vân, hãy dành một buổi tối yên tĩnh, tự hỏi bản thân rằng “Mình muốn tạo ra giá trị gì cho người khác?”. Nếu câu trả lời có liên quan đến học tập, con người, tổ chức và những thay đổi bền vững trong giáo dục, thì chào mừng bạn đến với ngành Quản lý giáo dục.
Đừng quên lưu lại bài viết này và chia sẻ cho bạn bè nếu bạn thấy hữu ích. Và nếu bạn cần thêm thông tin về các trường đào tạo, điểm chuẩn hoặc định hướng chi tiết hơn, hãy khám phá thêm các bài viết khác tại TrangEdu.com nhé!
>> Tìm hiểu thêm về ngành Giáo dục Công dân