Ngành Công nghệ thông tin (IT) (Mã ngành: 7480201)

66732

Công nghệ thông tin từng là “con đường vàng” trong mắt nhiều bạn trẻ, dễ xin việc, thu nhập cao, cơ hội toàn cầu.

Nhưng rồi thời gian trôi qua, thị trường thay đổi, AI trỗi dậy, công ty công nghệ cắt giảm nhân sự, và hàng loạt sinh viên CNTT ra trường phải tạm gác lại giấc mơ lập trình.

Ngành học này không còn quá dễ thở, nhưng cũng chưa bao giờ mất đi tiềm năng thật sự. Vấn đề không nằm ở chuyện “còn hot hay không”, mà nằm ở chỗ: bạn đã hiểu ngành này đủ sâu chưa? bạn có thật sự phù hợp không?

Bài viết này sẽ giúp bạn mổ xẻ ngành Công nghệ thông tin một cách thẳng thắn, học gì, ra làm gì, có mấy lối rẽ, rủi ro nào cần tránh và đặc biệt là: ngành này dành cho ai, không dành cho ai. Trước khi bước chân vào ngành, hãy dừng lại vài phút để đọc, vì hiểu rõ mình học gì, mới là bước đầu để đi đường dài.

nganh cong nghe thong tin la gi

1. NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN LÀ GÌ?

Khi bạn mở ứng dụng đặt xe, xem phim trên Netflix, đăng bài lên Facebook hay đơn giản là tra cứu điểm thi trên một website, tất cả đều có bàn tay của ngành Công nghệ thông tin (CNTT).

Hiểu một cách cơ bản, Công nghệ thông tin (Information Technology) là là ngành học về cách tạo ra, xử lý, lưu trữ và truyền tải thông tin bằng công nghệ máy tính.

Nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Ngày n6ay, công nghệ thông tin đã vượt xa chiếc máy tính bàn. Nó len lỏi vào mọi lĩnh vực: giáo dục, y tế, tài chính, sản xuất, giải trí… Từ phần mềm, hệ thống mạng, trí tuệ nhân tạo đến dữ liệu lớn, an ninh mạng, tất cả đều nằm dưới chiếc ô của ngành này.

Thế giới hiện đại vận hành trên nền tảng số, và CNTT chính là bộ não điều phối, là công cụ tạo nên trải nghiệm mượt mà mà người dùng đôi khi không nhận ra nhưng luôn kỳ vọng.

Túm lại: Ngành Công nghệ thông tin không chỉ đơn thuần là “học lập trình”, mà là học cách giải quyết vấn đề bằng công nghệ. Bạn có thể viết phần mềm, phân tích dữ liệu, bảo vệ hệ thống khỏi hacker hoặc xây dựng giải pháp giúp hàng triệu người kết nối dễ dàng hơn mỗi ngày.

2. HỌC NGÀNH CNTT RA TRƯỜNG LÀM GÌ?

Công nghệ thông tin không phải là ngành một nghề một hướng đi. Thực tế, sinh viên ra trường có thể bước vào hàng loạt vị trí khác nhau, tùy vào chuyên môn, kỹ năng và sở thích cá nhân.

Dưới đây là một số công việc phổ biến, kèm định hướng cụ thể để bạn hình dung rõ hơn ngành này rộng đến mức nào và nên bắt đầu từ đâu.

hoc cong nghe thong tin ra truong lam gi

Lập trình viên (Programmer)

Đây là lựa chọn phổ biến nhất của sinh viên CNTT sau khi ra trường. Công việc xoay quanh việc viết mã nguồn, xây dựng ứng dụng, phát triển phần mềm hoặc làm web.

Từ những ứng dụng bạn dùng mỗi ngày như Zalo, MoMo, đến những website đặt đồ ăn hay phần mềm quản lý ở bệnh viện đều là sản phẩm của lập trình viên.

Nếu bạn có định hướng theo con đường này, hãy tìm hiểu sâu về nghề lập trình viên để biết mình nên chọn mảng web, mobile, backend hay fullstack.

Data – Trí tuệ nhân tạo – Phân tích hệ thống

Một nhánh đang phát triển mạnh là xử lý dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Các công ty cần người hiểu dữ liệu, biết cách phân tích hành vi người dùng, dự đoán xu hướng tiêu dùng, hay huấn luyện mô hình AI.

Ví dụ:

  • Phân tích lịch sử giao dịch để phát hiện gian lận
  • Dạy máy học cách nhận diện khuôn mặt
  • Dùng dữ liệu để tối ưu hiển thị quảng cáo

Nếu bạn có tư duy phân tích tốt, nền tảng Toán khá và yêu thích công nghệ học máy, có thể tìm hiểu thêm về các hướng như Data Engineer, Data Scientist, hoặc AI Engineer.

An ninh mạng – bảo mật hệ thống

Trong một thế giới mà rò rỉ dữ liệu có thể đánh sập cả doanh nghiệp, vai trò của người làm bảo mật ngày càng quan trọng. Họ là người bịt lỗ hổng, ngăn hacker, và xây dựng hệ thống an toàn cho doanh nghiệp.

Ngành này cực kỳ phù hợp với những bạn:

  • Có tính cẩn trọng
  • Tư duy phản biện mạnh
  • Thích khám phá cách hệ thống hoạt động từ bên trong

Bạn có thể tìm hiểu thêm về hướng đi trong lĩnh vực an ninh mạng nếu thích làm “hacker mũ trắng” hợp pháp.

Kiểm thử phần mềm (Tester, QA)

Nếu bạn không quá mạnh phần lập trình nhưng lại có tư duy logic tốt, thích soi lỗi và làm việc kỹ lưỡng, thì kiểm thử phần mềm là một lựa chọn đáng cân nhắc.

Tester là người đảm bảo sản phẩm hoạt động ổn định trước khi ra mắt. Họ viết test case, thử nhiều tình huống để tìm lỗi, và làm việc rất chặt với lập trình viên.

Không cần biết code sâu, bạn vẫn có thể theo ngành kiểm thử phần mềm, và sau vài năm, thậm chí có thể lên vị trí quản lý chất lượng hoặc chuyển hướng sang phân tích nghiệp vụ.

IT Support, kỹ sư hệ thống, DevOps

Nếu bạn thích làm việc thực tế, ít ngồi bàn giấy, thì có thể đi theo hướng quản trị hệ thống, kỹ thuật mạng hoặc vận hành hạ tầng công nghệ.

Công việc này nghe ít hào nhoáng, nhưng lại là xương sống trong mọi doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ: từ trường học, ngân hàng đến nhà máy sản xuất.

Làm việc ở đâu?

Cơ hội việc làm trong ngành CNTT cực kỳ đa dạng:

  • Tập đoàn công nghệ (FPT, VNG, VinAI, Viettel…)
  • Ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính
  • Startup công nghệ, công ty phần mềm quốc tế
  • Làm freelancer, remote cho nước ngoài hoặc startup riêng

Túm lại: Học CNTT không có nghĩa là chỉ ngồi code từ sáng đến tối. Mỗi người sẽ phù hợp với một hướng đi khác nhau: có người mê dữ liệu, có người đam mê hệ thống, có người lại thích quản lý sản phẩm. Hiểu rõ mình hợp gì, chọn đúng ngay từ đầu, bạn sẽ đỡ tốn nhiều năm loay hoay.

3. CÁC CHUYÊN NGÀNH CỦA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Nói học ngành Công nghệ thông tin nghe thì chung chung, nhưng thực tế, bên trong ngành này có rất nhiều chuyên ngành khác nhau, mỗi chuyên ngành lại có hướng đi, môn học và đầu ra riêng biệt.

Việc chọn đúng chuyên ngành ngay từ đầu sẽ giúp bạn học đúng thứ mình cần, giỏi đúng kỹ năng thị trường cần và không tốn thời gian, tiền bạc vì chuyển hướng giữa chừng.

cac chuyen nganh cua cong nghe thong tin

Dưới đây là các chuyên ngành phổ biến trong nhóm ngành CNTT, kèm theo mô tả và định hướng phù hợp:

Kỹ thuật phần mềm (Software Engineering)

Đây là “chuyên ngành quốc dân” của CNTT, tập trung vào cách xây dựng, thiết kế, phát triển phần mềm. Bạn sẽ học nhiều về lập trình, cấu trúc dữ liệu, thiết kế hệ thống, kiểm thử phần mềm…

Phù hợp với: người thích viết mã, phát triển ứng dụng, làm sản phẩm thực tế.

Thường làm: lập trình viên, tester, kỹ sư phần mềm.

Khoa học máy tính (Computer Science)

Chuyên ngành này đào sâu về nền tảng lý thuyết của máy tính và thuật toán: học máy, trí tuệ nhân tạo, đồ họa máy tính, lập trình hệ thống, các mô hình toán học…

Phù hợp với: người thích nghiên cứu, tư duy logic mạnh, có định hướng học lên cao (thạc sĩ, tiến sĩ)

Thường làm: AI Engineer, nhà nghiên cứu, kỹ sư thuật toán.

Hệ thống thông tin (Information Systems)

Tập trung vào cách ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Ngoài học kỹ thuật, bạn sẽ học thêm về phân tích nghiệp vụ, quản lý dự án, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp…

Phù hợp với: người có định hướng làm cầu nối giữa công nghệ và kinh doanh

Thường làm: chuyên viên phân tích hệ thống, quản trị dự án IT, tư vấn ERP.

An toàn thông tin (Cybersecurity)

Học cách bảo vệ hệ thống khỏi tấn công mạng, mã độc, đánh cắp dữ liệu. Đây là ngành đang cực kỳ “khát nhân lực” do nhu cầu bảo mật tăng mạnh.

Phù hợp với: người kỹ tính, thích giải mã, điều tra, nhạy cảm với rủi ro

Thường làm: chuyên viên an ninh mạng, pentester, quản trị bảo mật hệ thống.

Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

Chuyên ngành tập trung vào cách kết nối, thiết lập và duy trì hệ thống mạng: từ mạng LAN, WAN đến internet, cloud, IoT…

Phù hợp với: người thích làm việc thực tế, thiên về phần cứng, vận hành

Thường làm: quản trị mạng, kỹ sư hệ thống, DevOps.

Trí tuệ nhân tạo (AI) & Khoa học dữ liệu (Data Science)

Một số trường tách riêng 2 ngành này hoặc gộp chung vào một chương trình mới. Nội dung học sẽ bao gồm học máy, phân tích dữ liệu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận diện hình ảnh, học sâu…

Phù hợp với: người giỏi Toán, yêu thích công nghệ hiện đại, thích làm việc với dữ liệu

Thường làm: AI engineer, Data scientist, Data analyst.

Nên chọn chuyên ngành nào?

Bạn có thể bắt đầu bằng cách tự hỏi: Mình thích làm sản phẩm hay nghiên cứu? Mình thích làm kỹ thuật sâu hay kết hợp quản lý, vận hành? Mình muốn ra trường làm gì? Làm cho ai?

Nếu còn phân vân, có thể chọn chuyên ngành rộng như Kỹ thuật phần mềm hoặc Hệ thống thông tin để sau này dễ rẽ nhánh.

4. NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HỌC GÌ? CÓ KHÓ KHÔNG?

Một trong những lý do khiến nhiều bạn bỏ cuộc giữa chừng khi học Công nghệ thông tin là vì… không biết mình sắp học cái gì.

Nghe học CNTT thì tưởng chỉ ngồi học lập trình, nhưng thực tế, chương trình học của ngành này vừa nặng lý thuyết, vừa yêu cầu thực hành liên tục, lại cần tư duy logic khá tốt.

hoc nganh cntt co kho khong

Bạn sẽ học những gì?

Dù chọn chuyên ngành nào, sinh viên CNTT năm đầu và năm hai thường phải học những môn cơ bản như:

  • Lập trình căn bản (C/C++, Python, Java…)
  • Cấu trúc dữ liệu và giải thuật
  • Toán rời rạc, xác suất thống kê
  • Kiến trúc máy tính, hệ điều hành
  • Cơ sở dữ liệu (SQL)
  • Mạng máy tính

Từ năm ba trở đi, tuỳ chuyên ngành mà bạn sẽ học sâu hơn:

  • Lập trình web, mobile, game
  • Học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo
  • Phân tích dữ liệu, big data
  • Kiểm thử phần mềm
  • Bảo mật hệ thống
  • Quản lý dự án phần mềm
  • … và cả kỹ năng mềm: teamwork, thuyết trình, viết tài liệu kỹ thuật

Học CNTT có khó không?

Câu trả lời là: không khó kiểu “không học được”, mà khó ở chỗ phải học liên tục, thực hành liên tục, kiên trì liên tục.

  • Bạn sẽ cần ngồi máy tính rất nhiều, có khi 4-6 tiếng mỗi ngày để viết code, sửa lỗi, làm đồ án
  • Các môn như giải thuật, lập trình hướng đối tượng, mạng máy tính… sẽ gây choáng nếu bạn không thích logic
  • Nếu không thực hành đều đặn, rất dễ mất gốc nhanh
  • Và đặc biệt, công nghệ thay đổi từng tháng, học xong một framework có thể… hết thời vào năm sau, nếu bạn không chủ động cập nhật

Tuy vậy, nếu bạn yêu thích công nghệ, kiên trì, thích tự mày mò học thêm ngoài trường lớp thì sẽ thấy ngành này rất thú vị, càng học càng thấy mình có thể tạo ra thứ gì đó hữu ích.

Vậy, để học tốt ngành này, bạn cần:

  • Tư duy logic, khả năng tự học cao
  • Khả năng đọc hiểu tài liệu tiếng Anh (vì tài nguyên học chủ yếu bằng tiếng Anh)
  • Tính kiên trì, không bỏ cuộc khi gặp lỗi
  • Biết phối hợp nhóm và giao tiếp rõ ràng

Nếu bạn không giỏi Toán? Không sao. Nhưng bạn cần rèn tư duy logic và chịu khó thực hành, vì CNTT là ngành học bằng tay, không phải học thuộc lòng.

5. NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN PHÙ HỢP VỚI AI?

Công nghệ thông tin không phải ngành dành cho số đông. Không phải ai giỏi học cũng theo được và cũng không cần bạn phải là thiên tài toán học. Cái ngành này kén người theo một kiểu rất riêng: bạn không cần phải rất giỏi, chỉ cần đủ bền.

nganh cntt phu hop voi ai

Nếu bạn đang cân nhắc theo học CNTT, hãy tự hỏi:

Bạn có thích giải quyết vấn đề?

Lập trình và công việc công nghệ nói chung luôn gắn với câu hỏi “làm sao để giải quyết việc này hiệu quả hơn?”. Nếu bạn thấy hứng thú khi mày mò sửa lỗi, tối ưu một đoạn mã hay đơn giản là tìm cách “làm cái này nhanh hơn bằng máy tính”, đó là dấu hiệu tốt.

Bạn có đủ kiên trì với thứ trông có vẻ khô khan?

Viết code không “lấp lánh” như làm nội dung số hay nghệ thuật. Nó giống như lắp ráp một cỗ máy: tỉ mỉ, chi tiết và có thể rất căng não. Nếu bạn dễ chán, khó ngồi yên lâu thì sẽ rất vất vả để theo kịp ngành này.

Bạn có khả năng tự học tự mày mò?

Công nghệ thay đổi cực nhanh. Hôm nay học xong JavaScript, vài tháng sau có thể đã phải chuyển sang framework mới. Nếu bạn chờ người khác dạy từng bước thì sẽ tụt lại. Nhưng nếu bạn biết cách tự học từ Google, StackOverflow, tài liệu tiếng Anh, bạn có thể tiến xa.

Bạn có khả năng làm việc độc lập lẫn phối hợp nhóm?

Lập trình có thể là công việc cá nhân, nhưng sản phẩm công nghệ luôn cần teamwork: bạn sẽ làm việc với designer, tester, quản lý dự án, khách hàng… Nếu bạn giao tiếp tốt, biết tiếp thu góp ý và chủ động chia sẻ, bạn sẽ “được việc” hơn nhiều người code giỏi nhưng chỉ biết làm một mình.

Bạn có đam mê với công nghệ thật sự?

Ngành này không “dễ sống” chỉ vì nó hot. Nếu bạn chọn vì… “nghe nói lương cao”, thì rất dễ vỡ mộng sau 1-2 năm. Nhưng nếu bạn thấy hứng thú khi tự mình tạo ra sản phẩm, thích khám phá phần mềm mới, thích cảm giác “debug xong chạy được là sướng”, thì… chào mừng bạn đến với thế giới IT.

Túm lại: Công nghệ thông tin không đòi hỏi bạn phải “xuất sắc toàn diện”, nhưng bạn phải kiên trì, chịu học, và thật sự muốn hiểu cách thế giới số vận hành từ bên trong.

6. MỨC LƯƠNG & CƠ HỘI VIỆC LÀM NGÀNH CNTT

Nếu bạn hỏi ngành nào làm đúng chuyên ngành thì dễ sống, thì Công nghệ thông tin là một trong những câu trả lời hàng đầu.

Dù không còn hot trend như vài năm trước, nhưng CNTT vẫn luôn nằm trong nhóm ngành có mức thu nhập tốt, nhu cầu tuyển dụng cao, cơ hội toàn cầu hóa rõ rệt.

muc luong va co hoi nganh cntt

Mức lương trung bình của ngành CNTT (theo cấp độ):

  • Sinh viên mới ra trường: 9-15 triệu/tháng (tùy kỹ năng thực tế, ngoại ngữ, nơi làm việc)
  • 2-3 năm kinh nghiệm: 18-30 triệu/tháng
  • Chuyên gia/Team Lead: 30-50 triệu/tháng trở lên
  • Freelancer giỏi hoặc làm cho công ty nước ngoài: 2.000 – 4.000 USD/tháng hoặc hơn

Một số vị trí có lương rất cao trong ngành: lập trình viên backend, kỹ sư AI, DevOps, chuyên gia bảo mật hệ thống, kỹ sư dữ liệu.

Xem thêm: Mức lương ngành Khoa học máy tính

Thị trường việc làm rộng mở, cả trong nước lẫn quốc tế

Theo nhiều báo cáo ngành CNTT tại Việt Nam:

  • Năm 2025, Việt Nam cần hơn 1 triệu nhân lực công nghệ, nhưng cung vẫn chưa đủ cầu
  • Các công ty phần mềm, fintech, edtech, AI, blockchain… liên tục mở rộng
  • Cơ hội làm remote, làm outsource cho thị trường Mỹ, Nhật, EU tăng mạnh
  • Freelancer và startup trong ngành này cũng rất tiềm năng, nếu bạn có năng lực và kỹ năng tổ chức

Làm trong nước hay ra nước ngoài đều được

Cái hay của ngành CNTT là ngôn ngữ lập trình là ngôn ngữ toàn cầu, bạn hoàn toàn có thể học ở Việt Nam, làm việc cho Singapore, Mỹ, Nhật Bản. Miễn là bạn:

  • Giỏi kỹ năng chuyên môn
  • Có ngoại ngữ tốt (đặc biệt là tiếng Anh)
  • Biết cách làm việc chuyên nghiệp, đúng deadline và chủ động

Túm lại: Lương ngành CNTT không tự nhiên cao, mà cao với những ai thật sự có năng lực và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Nhưng nếu bạn đầu tư học bài bản, thực hành tốt và rèn kỹ năng ngoại ngữ thì đây là một trong những ngành nghề hiếm hoi có thể “sống khỏe” ngay cả khi làm từ nhà.

7. HỌC NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN Ở ĐÂU?

Ngành Công nghệ thông tin có một điểm thú vị: con đường để bước vào nghề này không chỉ có một. Bạn có thể học đại học chính quy, học cao đẳng nghề, theo các khóa bootcamp thực hành hoặc thậm chí là… tự học từ YouTube và tài liệu nước ngoài nếu đủ nghiêm túc.

Học đại học – lựa chọn truyền thống và ổn định

Đại học vẫn là lựa chọn phù hợp với những bạn muốn có nền tảng vững chắc, lộ trình rõ ràng, môi trường học tập ổn định và bằng cấp uy tín để sau này làm việc trong các tập đoàn lớn, hoặc học lên cao.

Bạn sẽ được học từ cơ bản đến nâng cao, trải qua các học phần lập trình, hệ điều hành, giải thuật, cấu trúc dữ liệu, bảo mật, AI, data science… Tùy từng trường mà chương trình học có thể thiên về lý thuyết hoặc thực hành.

Nếu bạn đang tìm hiểu các trường phù hợp, có thể tham khảo danh sách các trường đại học ngành Công nghệ thông tin, bài viết tổng hợp chi tiết, so sánh cụ thể về điểm chuẩn giúp bạn dễ chọn trường hơn.

Cao đẳng – học thực chiến, ra trường sớm đi làm

Nếu bạn không quá đặt nặng việc lấy bằng đại học, hoặc muốn học nhanh, làm sớm, thì chương trình cao đẳng hoặc trung cấp nghề CNTT cũng là một lựa chọn thực tế.

Thời gian học ngắn hơn (khoảng 2-2.5 năm), thiên về thực hành nhiều, dễ tiếp cận với môi trường doanh nghiệp. Một số trường cao đẳng còn hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên thực tập và tuyển dụng trực tiếp sau khi tốt nghiệp.

Tự học hoặc học qua bootcamp

Nếu bạn:

  • Không đủ điều kiện học đại học
  • Hoặc đang làm ngành khác nhưng muốn chuyển nghề sang IT

→ thì học online, học qua khóa ngắn hạn (bootcamp) hoặc tự học bài bản là hoàn toàn khả thi.

Hiện nay có nhiều trung tâm dạy lập trình thực chiến trong 4-6 tháng, cam kết đầu ra việc làm nếu học viên đủ năng lực. Song song đó, bạn có thể học từ Coursera, Udemy, freeCodeCamp, YouTube, Stack Overflow…

Tuy nhiên, con đường này đòi hỏi tính tự giác cực cao, và bạn phải luyện được kỹ năng làm dự án thực tế để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng (vì không có bằng chính quy để “gánh điểm”).

Túm lại: Công nghệ thông tin là ngành linh hoạt, không phân biệt bạn xuất phát từ đâu. Quan trọng nhất vẫn là: bạn có học thật, làm thật, tạo ra sản phẩm thật hay không.

8. CÔNG NGHỆ THÔNG TIN – DÙ HOT NHƯNG KHÔNG PHẢI DÀNH CHO TẤT CẢ

Công nghệ thông tin có thể là ngành hái ra tiền, việc nhiều không hết như người ta thường nói. Nhưng khi bạn thực sự bước vào, bạn sẽ thấy đây là một trong những ngành học khá vất vả, nếu không có đam mê và sự chuẩn bị từ đầu.

luu y khi chon nganh cntt

Cạnh tranh không chỉ đến từ bạn bè, mà từ cả thế giới

Đây là ngành mang tính toàn cầu. Nghĩa là: bạn không chỉ cạnh tranh với sinh viên Việt Nam, mà còn với lập trình viên Ấn Độ, kỹ sư phần mềm Philippines, các nhóm freelancer từ Đông Âu…

Nhiều công ty tuyển người Việt để làm cho thị trường Mỹ, thì cũng có nhiều công ty nước ngoài… tìm người thay thế bạn, nếu bạn yếu tay.

Chạy theo công nghệ mới, cuộc đua không có điểm dừng

Một kỹ năng có thể “hot” năm nay, nhưng sang năm có thể đã lỗi thời. Người học CNTT buộc phải:

  • Luôn cập nhật framework, ngôn ngữ, công cụ mới
  • Theo sát thay đổi của ngành (AI, blockchain, low-code…)
  • Học thêm ngoại ngữ kỹ thuật để theo kịp tài liệu mới

Không học nữa = tụt hậu.

Làm công nghệ không có nghĩa là “ngồi máy tính chill chill”

  • Có khi bạn sẽ ngồi fix bug đến… 2h sáng
  • Có dự án chạy deadline gấp, OT cuối tuần là bình thường
  • Có khi cả tuần không nói chuyện với ai ngoài… trình soạn thảo mã nguồn

Nếu bạn thích một công việc nhẹ nhàng, ổn định, không thay đổi quá nhiều → CNTT không dành cho bạn.

Người chọn sai ngành sẽ rất dễ… bỏ cuộc giữa chừng

Không ít sinh viên vào học ngành này vì nghe nói lương cao, rồi sau học kỳ 1 thì… mất phương hướng. Không hiểu code, không quen tư duy logic, học không nổi mà vẫn cố gắng đu theo → rất dễ dẫn đến chán nản, bỏ học, hoặc ra trường không làm đúng chuyên môn.

TÚm lại: Ngành này rất tiềm năng nhưng không dễ nuốt. Nếu bạn chọn nó chỉ vì nghe người ta nói vậy, khả năng cao bạn sẽ dừng lại giữa đường. Nhưng nếu bạn có kế hoạch rõ ràng, hiểu mình đang đi đâu thì đây là một trong những con đường bền vững nhất thời đại số.

9. CNTT LÀ MỘT CHẶNG ĐUA BỀN BỈ, KHÔNG PHẢI CUỘC SPRINT

Chọn ngành học cũng giống như chọn một hành trình: không chỉ cần điểm xuất phát đúng, mà còn cần đủ sức để đi được tới đích. Công nghệ thông tin không phải là một đường đua tốc độ mà là một hành trình dài hơi. Có người đi nhanh, có người đi chậm, nhưng chỉ những ai thật sự bền bỉ và chịu học đến cùng mới có thể gặt hái thành quả.

Ngành này không hào nhoáng như người ta tưởng, nhưng lại là mảnh đất màu mỡ cho những người thích khám phá, mê công nghệ, không ngại thay đổi và biết chủ động phát triển bản thân.

Nếu bạn đã đọc đến đây và vẫn còn thấy máu công nghệ sôi lên một chút, thì rất có thể, đây là hướng đi xứng đáng để bạn nghiêm túc đầu tư 4-5 năm tới.

Ngoài công nghệ thông tin, bạn cũng có thể tham khảo thêm các ngành thuộc nhóm kỹ thuật, công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo, An ninh mạng, Khoa học dữ liệu, Thiết kế phần mềm… tại chuyên mục Ngành nghề của TrangEdu để có cái nhìn đầy đủ và đúng đắn hơn trước khi lựa chọn.

Gợi ý các ngành học liên quan:

Giang Chu
Xin chào, mình là một cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước đây công việc đầu tiên của mình có liên quan tới lĩnh vực giáo dục, mình cũng có tư vấn cho khá nhiều bạn học sinh để có những lựa chọn phù hợp nhất trước khi thi đại học và tính đến năm 2025 mình đã có 8 năm làm công việc tư vấn tuyển sinh.