TOP 10 công việc ngành Công nghệ thông tin đang phát triển mạnh nhất hiện nay

3780

Công nghệ thông tin vẫn là một trong những ngành học có sức hút mạnh nhất với giới trẻ, không phải vì nghe nói lương cao, mà vì đây là ngành đang tạo ra nhiều lựa chọn nghề nghiệp nhất thời đại số.

Thế nhưng, nhiều người khi nhắc đến việc làm trong ngành CNTT vẫn chỉ nghĩ đến… lập trình viên. Trong khi đó, thị trường thực tế lại đang “khát” nhân sự cho nhiều vị trí mới, từ trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng cho đến vận hành hệ thống, phân tích dữ liệu, quản lý sản phẩm…

top cong viec nganh cntt

Vậy nếu bạn đang học hoặc chuẩn bị học ngành Công nghệ thông tin, bài viết này sẽ là bản đồ định hướng giúp bạn khám phá 10 công việc đang phát triển mạnh nhất, kèm theo thông tin chi tiết để bạn hiểu rõ: Họ làm gì? Cần kỹ năng gì? Và có phù hợp với bạn không?

1. LẬP TRÌNH VIÊN (PROGRAMMER)

Lập trình viên vẫn là công việc xương sống trong ngành Công nghệ thông tin và chưa bao giờ có dấu hiệu giảm nhiệt. Đây là lựa chọn phổ biến nhất cho sinh viên CNTT khi mới ra trường, nhưng cũng là một “vùng đất rộng” với vô số hướng đi nhỏ bên trong.

lap trinh vien programmer

Về bản chất, lập trình viên là người xây dựng các phần mềm và ứng dụng chạy trên máy tính, điện thoại hoặc nền tảng web. Từ ứng dụng ngân hàng bạn dùng mỗi ngày, đến game mobile hay hệ thống đặt vé máy bay, tất cả đều có bàn tay của lập trình viên phía sau.

Công việc của lập trình viên bao gồm:

  • Viết mã nguồn (code) theo yêu cầu từ bản thiết kế hoặc người dùng
  • Phát triển các tính năng mới, sửa lỗi, tối ưu hiệu năng
  • Làm việc với các công nghệ như: HTML, CSS, JavaScript, Python, Java, C#, React, Node.js, v.v.
  • Phối hợp với các vị trí khác như tester, UI/UX, DevOps, quản lý sản phẩm…

Các hướng đi phổ biến trong nghề lập trình:

  • Frontend Developer: xây dựng giao diện, thứ người dùng nhìn thấy & tương tác
  • Backend Developer: xử lý logic, cơ sở dữ liệu, bảo mật, quản lý dữ liệu người dùng
  • Fullstack Developer: cân tất cả frontend và backend
  • Mobile Developer: phát triển ứng dụng iOS, Android
  • Game Developer: lập trình game 2D, 3D, VR/AR

Mức lương & cơ hội:

  • Sinh viên mới ra trường: ~9-15 triệu/tháng
  • Kinh nghiệm 2–3 năm: 20-30 triệu/tháng
  • Làm remote cho công ty nước ngoài: > 2.000 USD/tháng là chuyện bình thường

Công việc lập trình phù hợp với những bạn có tư duy logic, khả năng tự học, kiên trì cao và yêu thích việc tạo ra sản phẩm thực tế.

Túm lại: Lập trình viên là lựa chọn vững chắc cho những ai bước vào ngành CNTT. Nhưng quan trọng là bạn cần xác định rõ mình phù hợp với mảng nào, từ giao diện, backend, đến mobile hay game để học đúng thứ, làm đúng hướng.

2. KỸ SƯ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI/ML ENGINEER)

Nếu lập trình viên là nền móng của ngành CNTT, thì kỹ sư AI chính là người thổi trí tuệ vào sản phẩm công nghệ.

Trong vài năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là chuyện viễn tưởng, nó đã len vào cuộc sống: từ chatbot, đề xuất video trên TikTok, đến ô tô tự lái hay xử lý ảnh y tế.

ky su tri tue nhan tao ai engineer

AI/ML Engineer làm gì?

  • Xây dựng mô hình học máy (machine learning) để máy tính tự học từ dữ liệu
  • Huấn luyện các hệ thống nhận diện hình ảnh, giọng nói, hành vi người dùng
  • Tối ưu thuật toán để mô hình chạy hiệu quả, chính xác hơn
  • Ứng dụng vào chatbot, công cụ gợi ý, hệ thống thông minh, nhận diện khuôn mặt, lọc nội dung độc hại…

Khác gì với lập trình viên thông thường?

  • Lập trình viên viết ra logic cụ thể
  • Kỹ sư AI “huấn luyện” máy tự suy nghĩ và đưa ra kết quả dựa trên dữ liệu

Nghề này thiên nhiều về Toán, thống kê, xác suất, đại số tuyến tính, kết hợp với lập trình bằng Python, thư viện TensorFlow, PyTorch, Scikit-learn…

Nếu bạn đang tò mò về hướng đi này, hãy xem thêm bài viết Ngành trí tuệ nhân tạo học gì, làm gì, ra sao? để nắm toàn cảnh con đường học tập và nghề nghiệp liên quan đến AI.

Mức lương & triển vọng:

  • Sinh viên mới ra trường nếu có kỹ năng tốt: từ 15-25 triệu/tháng
  • Kỹ sư AI có kinh nghiệm: 2.000-4.000 USD/tháng
  • Cơ hội làm việc toàn cầu rất cao do nhân lực chất lượng còn khan hiếm

Phù hợp với ai?

  • Có nền tảng Toán tốt, thích làm việc với dữ liệu và mô hình
  • Tư duy logic, tính kiên trì cao, không ngại thử, sai và sửa
  • Yêu thích công nghệ hiện đại và ứng dụng AI vào cuộc sống

Túm lại: AI không còn là trào lưu, mà là một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực. Nếu bạn muốn đi vào “vùng tương lai” của ngành CNTT, kỹ sư trí tuệ nhân tạo là lựa chọn đầy triển vọng, miễn là bạn sẵn sàng học sâu và học khó.

3. KỸ SƯ DỮ LIỆU (DATA ENGINEER) & NHÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU (DATA SCIENTIST)

Nếu AI là “bộ não biết suy nghĩ”, thì dữ liệu chính là nguồn sống để bộ não đó vận hành. Trong thời đại mọi hành vi đều để lại “dấu vết số”, từ cú click chuột đến lượt xem video, các doanh nghiệp cần người biết thu thập, xử lý và hiểu được dữ liệu. Đó chính là vai trò của Data Engineer và Data Scientist.

ky su du lieu data engineer

Kỹ sư dữ liệu (Data Engineer) – người xây đường ống dữ liệu

  • Thiết kế và vận hành hệ thống lưu trữ, truyền tải, xử lý dữ liệu quy mô lớn
  • Làm việc với các công cụ như Hadoop, Spark, Kafka, BigQuery
  • Tối ưu pipeline để dữ liệu “sạch, đủ, đúng lúc” cho các bộ phận sử dụng

Data Engineer giống như kỹ sư xây dựng hạ tầng, đảm bảo mọi thứ chạy mượt trước khi dữ liệu đến tay người dùng cuối.

Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist) – người biến dữ liệu thành quyết định

  • Phân tích và trực quan hóa dữ liệu
  • Xây dựng mô hình dự đoán xu hướng, hành vi khách hàng, tăng trưởng sản phẩm
  • Làm việc chặt với ban điều hành để hỗ trợ ra quyết định chiến lược

-> Đây là công việc rất “hot” với các bạn thích vừa làm công nghệ vừa hiểu thị trường.

Bạn có thể đọc sâu hơn tại bài viết Ngành Khoa học dữ liệu là gì? nếu muốn rõ lộ trình từng mảng.

Học gì để làm Data?

  • Toán xác suất, thống kê, trực quan hóa dữ liệu
  • SQL, Python, R
  • Công cụ như Power BI, Tableau, Pandas, Scikit-learn…

Mức lương & nhu cầu việc làm

  • Data Engineer mới ra trường: 12–18 triệu/tháng
  • Data Scientist có kinh nghiệm: từ 2.000 USD/tháng trở lên
  • Được săn đón tại các công ty TMĐT, fintech, ngân hàng, marketing, logistics…

Phù hợp với bạn nếu:

  • Bạn thích số liệu, phân tích, trực quan hóa
  • Có tư duy suy luận, đặt câu hỏi tìm hiểu nguyên nhân đằng sau con số
  • Yêu thích việc hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ kiện thay vì cảm tính

Túm lại: Trong một thế giới mà công nghệ kết nối mọi thứ, thì càng cần những người bảo vệ thứ đang kết nối đó. Nếu bạn muốn làm nghề thầm lặng nhưng giá trị lớn, chuyên viên an ninh mạng là một lựa chọn rất đáng cân nhắc.

4. CHUYÊN VIÊN AN NINH MẠNG (CYBERSECURITY SPECIALIST)

Trong thế giới mà dữ liệu có thể là tài sản quý hơn vàng, thì an ninh mạng chính là lớp áo giáp bảo vệ tài sản đó khỏi những cuộc tấn công vô hình.

Công việc của một chuyên viên an ninh mạng không phải là ngồi hack như trong phim, mà là phòng thủ, phát hiện, ứng phó và phục hồi sau các sự cố bảo mật.

chuyen vien an ninh mang cybersecurity specialist

Công việc của chuyên viên an ninh mạng bao gồm:

  • Phân tích hệ thống, phát hiện lỗ hổng bảo mật
  • Ngăn chặn tấn công mạng (DDoS, ransomware, phishing…)
  • Xây dựng quy trình phòng thủ và phản ứng sự cố
  • Hướng dẫn đội ngũ nội bộ sử dụng hệ thống an toàn

Nếu bạn từng nghe về những vụ rò rỉ thông tin hàng triệu người dùng, hệ thống ngân hàng bị tấn công, hay các nhóm hacker quốc tế… thì đó chính là bối cảnh mà ngành bảo mật thông tin ra đời và phát triển mạnh mẽ.

Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn qua bài viết: Ngành An ninh mạng là gì? Học gì, làm gì, có dễ xin việc không?

Học gì để theo đuổi nghề bảo mật?

  • Kiến thức mạng máy tính, hệ điều hành, hệ thống phân tán
  • Các giao thức bảo mật, mã hóa, chữ ký số
  • Ngôn ngữ lập trình: Python, C, bash scripting
  • Công cụ như Wireshark, Kali Linux, Burp Suite, Metasploit…

Mức lương & cơ hội việc làm

  • Sinh viên mới ra trường: ~10-16 triệu/tháng
  • 2-3 năm kinh nghiệm: 20-40 triệu/tháng
  • Giỏi chuyên môn + chứng chỉ quốc tế (CEH, CISSP…) → cơ hội làm việc tại ngân hàng, doanh nghiệp lớn, tổ chức chính phủ hoặc công ty nước ngoài

An ninh mạng là một trong những ngành đang thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt là tại Việt Nam.

Phù hợp với bạn nếu:

  • Có khả năng đọc hiểu tài liệu chuyên sâu và giải quyết tình huống phức tạp
  • Bạn tỉ mỉ, kiên nhẫn, thích tìm lỗ hổng, vá lỗi
  • Không ngại thử, sai, sửa đi sửa lại hàng chục lần

Túm lại: Trong một thế giới mà công nghệ kết nối mọi thứ, thì càng cần những người bảo vệ thứ đang kết nối đó. Nếu bạn muốn làm nghề thầm lặng nhưng giá trị lớn, chuyên viên an ninh mạng là một lựa chọn rất đáng cân nhắc.

5. DEVOPS ENGINEER – KỸ SƯ VẬN HÀNH TỰ ĐỘNG HÓA HỆ THỐNG

Giữa một bên là lập trình viên (viết ra phần mềm) và một bên là quản trị hệ thống (vận hành máy chủ), DevOps chính là “người trung gian” giúp mọi thứ chạy trơn tru, tự động, và bền vững hơn.

Vì vậy, DevOps không phải là một công việc cụ thể mà là một tư duy làm sản phẩm hiện đại.

ky su van hanh tu dong hoa he thong

DevOps làm gì?

  • Tự động hóa quá trình triển khai phần mềm: từ khi code xong đến khi chạy thật trên server
  • Thiết lập quy trình CI/CD – viết xong là test, deploy, cập nhật liên tục
  • Giám sát hệ thống: phát hiện lỗi sớm, phản hồi nhanh
  • Làm việc với máy chủ, container, cloud, các công cụ triển khai

Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn tại bài viết DevOps là gì? Có khác gì với lập trình viên không?

DevOps dùng công cụ gì?

  • Jenkins, GitLab CI, Docker, Kubernetes, Ansible, Terraform
  • Cloud: AWS, Azure, Google Cloud
  • Kết hợp chặt với Git, log system, monitoring tools (Prometheus, Grafana…)

Lương & nhu cầu tuyển dụng

  • Mới ra trường chưa nhiều kinh nghiệm: 10-16 triệu/tháng
  • 2-4 năm kinh nghiệm + DevOps mindset: 25-40 triệu/tháng
  • Các công ty công nghệ lớn, startup phát triển nhanh đều cần DevOps

DevOps là vị trí xương sống ở các công ty có quy trình ra mắt sản phẩm thường xuyên (sprint hàng tuần, update liên tục).

Ai nên theo nghề DevOps?

  • Người thích sự kết nối giữa kỹ thuật và vận hành
  • Có khả năng tổ chức, logic, biết làm việc đa nhiệm
  • Thích làm việc ở hậu trường nhưng tác động đến toàn bộ hệ thống

Túm lại: DevOps là công việc của người làm nền vững chắc. Không viết giao diện, cũng không trực tiếp sản xuất phần mềm, nhưng nếu không có DevOps, cả team tech có thể loay hoay với lỗi, downtime và triển khai thủ công mỗi ngày. Nếu bạn thích tối ưu quy trình, thích thấy hệ thống hoạt động êm ru nhờ công sức của mình thì DevOps là lối đi rất đáng thử.

6. KIỂM THỬ PHẦN MỀM (TESTER / QA)

Mỗi lần bạn mở một ứng dụng mà không bị crash, không bấm sai chỗ, không ra lỗi ngớ ngẩn, hãy cảm ơn tester. Kiểm thử phần mềm là khâu cuối cùng nhưng không kém phần sống còn trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi đến tay người dùng.

Trong khi lập trình viên tập trung xây dựng tính năng, thì tester là người soi kỹ từng chi tiết, bảo đảm phần mềm chạy đúng, mượt, và không gây ra lỗi không mong muốn.

kiem thu phan mem tester

Tester làm gì?

  • Phân tích yêu cầu phần mềm, viết test case (tình huống kiểm thử)
  • Thực hiện kiểm thử thủ công (manual testing) hoặc viết kịch bản kiểm thử tự động (automation testing)
  • Ghi nhận và báo cáo lỗi (bug) để lập trình viên sửa
  • Hợp tác với QA/QC để đảm bảo phần mềm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật

Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn tại bài viết: Kiểm thử phần mềm là gì? Tester làm gì, học gì, lộ trình ra sao?

Tester cần học gì?

  • Kiến thức cơ bản về lập trình, hệ thống
  • Quy trình phát triển phần mềm (SDLC, Agile, Scrum…)
  • Công cụ kiểm thử như: Selenium, Postman, JMeter, TestNG…
  • Kỹ năng viết test case, quản lý bug với Jira, Trello…

Mức lương & cơ hội

  • Sinh viên mới ra trường: 8-12 triệu/tháng
  • Tester có 2-3 năm kinh nghiệm + automation: 15-25 triệu/tháng
  • QA Lead: 30-40 triệu/tháng tại các công ty công nghệ lớn

Nhu cầu tuyển dụng Tester tại Việt Nam luôn ổn định vì sản phẩm công nghệ ngày càng nhiều nhưng chất lượng cũng ngày càng được đặt lên hàng đầu.

Nghề này dành cho ai?

  • Người tỉ mỉ, kiên nhẫn, thích soi chi tiết nhỏ
  • Không ngại lặp đi lặp lại một thao tác để kiểm tra tính ổn định
  • Có khả năng logic tốt nhưng không nhất thiết phải giỏi lập trình

Túm lại: Tester là người giữ thể diện cho cả team dev. Sản phẩm có hay đến mấy mà lỗi liên tục thì người dùng cũng sẽ bỏ đi. Nếu bạn thích sự ổn định, logic rõ ràng và thích phát hiện vấn đề để giải quyết, kiểm thử phần mềm là hướng đi phù hợp, đặc biệt cho các bạn không quá mạnh phần code nhưng vẫn muốn làm trong ngành công nghệ.

7. KỸ SƯ PHẦN MỀM NHÚNG / IOT DEVELOPER

Khi bạn bật điều hòa bằng điện thoại, khi một chiếc máy rửa tay tự động hoạt động, hay khi chiếc xe tự lái bẻ lái đúng lúc, đó chính là lúc công nghệ nhúng và Internet of Things (IoT) thể hiện sức mạnh thầm lặng của nó.

Kỹ sư phần mềm nhúng (Embedded Software Engineer) là người lập trình cho các thiết bị có phần cứng riêng, không phải máy tính hay điện thoại. Còn lập trình viên IoT thì tập trung kết nối các thiết bị với nhau và với Internet để tạo ra một hệ sinh thái thông minh.

ky su phan mem nhung iot developer

Họ làm gì?

  • Lập trình trực tiếp lên vi điều khiển (microcontroller) hoặc thiết bị phần cứng
  • Thiết kế các chương trình điều khiển cảm biến, mô-tơ, chip xử lý
  • Kết nối thiết bị với mạng để truyền dữ liệu (MQTT, HTTP, Bluetooth…)
  • Làm việc nhiều với C/C++, Python, nền tảng Arduino, Raspberry Pi, ESP32…

Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn qua bài viết: Phần mềm nhúng là gì? Khác gì với lập trình truyền thống?

Ứng dụng thực tế:

  • Nhà thông minh (bật tắt đèn, điều khiển quạt qua app)
  • Thiết bị đeo tay theo dõi sức khỏe
  • Máy bán hàng tự động
  • Cảm biến đo lường trong nhà máy, nông nghiệp công nghệ cao
  • Ô tô thông minh, robot giao hàng…

Mức lương & nhu cầu nhân lực

  • Sinh viên mới ra trường: ~10-15 triệu/tháng
  • 2-3 năm kinh nghiệm: 20-30 triệu/tháng
  • Làm việc tại các công ty phần cứng, điện tử, tự động hóa, startup IoT

Ngành này tuy không “nở rộ” như web hay app, nhưng có sức bật cao và ít cạnh tranh hơn nếu bạn thật sự giỏi.

Ai nên theo?

  • Bạn nào vừa mê lập trình, vừa thích vọc mạch, phần cứng
  • Có tư duy logic + khả năng phân tích hệ thống + tính chính xác cao
  • Không ngại thử nghiệm, test thiết bị lặp đi lặp lại

Túm lại: Kỹ sư nhúng và IoT Developer không làm phần mềm cho người dùng “bấm chạm”, mà lập trình cho những thứ hoạt động âm thầm nhưng thông minh. Nếu bạn thích nhìn thấy phần mềm mình viết ra điều khiển được một thiết bị thật, đây chính là hướng đi bạn nên cân nhắc.

8. PRODUCT MANAGER / BUSINESS ANALYST

Không phải ai làm công nghệ cũng cần phải viết code. Có những người không trực tiếp lập trình, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sản phẩm sẽ hoạt động ra sao, phục vụ ai, và giải quyết vấn đề gì. Đó chính là Product Manager (PM) và Business Analyst (BA), hai vai trò nằm giữa người dùng và đội ngũ kỹ thuật.

quan ly san pham product manager

Product Manager làm gì?

  • Hiểu nhu cầu người dùng, nghiên cứu thị trường
  • Đưa ra định hướng phát triển sản phẩm: tính năng nào cần ưu tiên? hướng phát triển tiếp theo là gì?
  • Phối hợp giữa dev, thiết kế, tester, marketing để sản phẩm ra đời đúng thời điểm và đúng nhu cầu
  • Là “chủ sản phẩm”, đại diện cho người dùng trong đội kỹ thuật

Xem thêm: Product Manager là gì? Cần học gì để làm PM công nghệ?

Business Analyst làm gì?

  • Phân tích yêu cầu từ khách hàng/doanh nghiệp
  • Viết tài liệu mô tả hệ thống (SRS, wireframe, flow…)
  • Giải thích cho team dev hiểu rõ yêu cầu
  • Đảm bảo phần mềm được xây đúng theo mục tiêu kinh doanh

Xem thêm: Business Analyst trong ngành CNTT là gì? Học ngành gì để theo BA?

Khác gì với dev?

Dev làm “cái gì”, còn PM/BA quyết định “nên làm cái gì, vì sao làm và làm thế nào để phù hợp với mục tiêu cuối cùng”. Đây là vai trò cầu nối chiến lược giữa kỹ thuật và người dùng.

Lương & triển vọng nghề nghiệp

  • Mới vào nghề (BA): 10-15 triệu/tháng
  • PM có 2-3 năm kinh nghiệm: 25-40 triệu/tháng
  • PM cấp cao tại startup, công ty công nghệ lớn: 2.000-3.000 USD/tháng

Cơ hội rất cao tại các công ty phần mềm, startup, doanh nghiệp triển khai sản phẩm số.

Ai phù hợp với nghề này?

  • Bạn giỏi giao tiếp, truyền đạt ý tưởng rõ ràng
  • Có tư duy hệ thống và khả năng tổ chức công việc tốt
  • Thích công nghệ, nhưng hứng thú hơn với việc “thiết kế sản phẩm và định hướng người dùng” hơn là viết code thuần

Túm lại: Nếu lập trình viên là người xây nhà, thì PM và BA là người thiết kế bản vẽ, làm việc với chủ đầu tư và tính toán ngân sách, thời gian. Đây là hướng đi lý tưởng cho những ai muốn làm sản phẩm công nghệ với góc nhìn chiến lược, không giới hạn trong vài dòng lệnh.

9. LẬP TRÌNH VIÊN NO-CODE / LOW-CODE

Một hướng đi đang phát triển cực nhanh, giúp tạo ra phần mềm, website, ứng dụng… mà không cần viết (hoặc viết rất ít) mã lệnh. Phù hợp cho:

  • Người học CNTT nhưng không mạnh lập trình truyền thống
  • Người muốn làm startup nhanh chóng mà không tốn quá nhiều nhân lực kỹ thuật
  • Các công ty vừa & nhỏ cần tạo sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn

lap trinh vien no code low code

Vì sao nó hot?

  • No-code/low-code đang bùng nổ toàn cầu nhờ các nền tảng như: Bubble, Webflow, Adalo, Glide, Make, Zapier…
  • Giúp tăng tốc quá trình phát triển sản phẩm, cực phù hợp với mô hình MVP (Minimum Viable Product)
  • Được đánh giá là “lối vào ngành công nghệ dễ dàng hơn” cho người không chuyên nhưng vẫn muốn tạo ra sản phẩm thực

Lợi thế?

  • Học nhanh, triển khai nhanh, ra sản phẩm thật sớm
  • Cơ hội freelance hoặc làm startup cực rộng
  • Thu nhập ổn nếu giỏi giải pháp, thiết kế và workflow

Túm lại: Lập trình viên No-code / Low-code là hướng đi vừa công nghệ, vừa sáng tạo, vừa thực tế, đang mở ra cánh cửa mới cho thế hệ trẻ muốn bước vào ngành công nghệ mà không bị rào cản kỹ thuật quá cao chặn đường.

10. FREELANCER / REMOTE DEVELOPER

Bạn có từng mơ về một công việc có thể làm từ bất kỳ đâu, ở quán cà phê, ở Đà Lạt, thậm chí là làm việc ở quê, miễn là có Wi-Fi và deadline đúng hạn?

Trong ngành công nghệ, đó không phải mơ mộng, mà là một lựa chọn nghề nghiệp thực sự nghiêm túc: trở thành freelancer hoặc remote developer.

freelancer remote developer

Freelancer & Remote Developer là gì?

  • Freelancer ngành IT: làm việc theo dự án, không cố định công ty, thường nhận job từ các nền tảng freelance hoặc đối tác riêng
  • Remote Developer: làm full-time hoặc part-time cho công ty trong nước hoặc quốc tế, nhưng làm việc hoàn toàn từ xa

Xem thêm: Remote developer là gì? Làm freelance IT bắt đầu từ đâu?

Họ làm gì?

  • Lập trình web/app cho khách hàng Việt Nam hoặc nước ngoài
  • Thiết kế giao diện, xây dựng landing page, tối ưu hệ thống
  • Tích hợp API, xử lý dữ liệu, viết phần mềm quản lý đơn giản
  • Một số làm cả No-code hoặc kết hợp với marketing để nhận dự án trọn gói

Lợi thế của nghề này:

  • Tự do về thời gian & địa điểm
  • Có thể làm việc cho công ty nước ngoài với thu nhập tính bằng USD
  • Làm song song nhiều dự án (nếu đủ sức)
  • Không ràng buộc bởi văn phòng, đồng phục, chấm công

Nhưng cũng có thách thức:

  • Không có ai “giục việc” – bạn phải cực kỳ chủ động
  • Cần giao tiếp chuyên nghiệp, đúng deadline
  • Phải học thêm kỹ năng quản lý thời gian, deal giá, viết proposal…

Thu nhập ra sao?

  • Freelancer mới: 5-10 triệu/tháng (nhận dự án nhỏ, làm thêm)
  • Trung cấp: 15-30 triệu/tháng (dự án web, app, backend đơn giản)
  • Freelancer chuyên nghiệp: 2.000-5.000 USD/tháng (fulltime dự án quốc tế)
  • Remote developer làm cho công ty nước ngoài: 1.500-3.000 USD/tháng là con số không hiếm

Nghề này phù hợp với ai?

  • Người tự giác, làm việc độc lập tốt
  • Có kỹ năng chuyên môn vững, biết xử lý vấn đề một mình
  • Giao tiếp rõ ràng, viết email, báo cáo tiến độ tốt
  • Muốn sống “tự do có kỷ luật”, tránh ràng buộc công việc văn phòng

Túm lại: Freelancer hoặc remote developer không chỉ là nghề thời thượng mà là một lối sống công nghệ linh hoạt, nơi bạn được làm điều mình giỏi, từ nơi mình thích, với khách hàng bạn chọn. Nếu bạn đủ bản lĩnh, đủ kỹ năng và đủ tinh thần tự chủ, đây là con đường vô cùng rộng mở.

Ngành Công nghệ thông tin không còn là một khối lập trình khô khan như nhiều người từng nghĩ. Từ viết mã, xử lý dữ liệu, vận hành hệ thống, bảo mật, đến thiết kế sản phẩm, làm việc tự do xuyên biên giới, mỗi con đường trong ngành đều mang lại cơ hội phát triển rất riêng.

Chọn đúng công việc không chỉ giúp bạn kiếm được thu nhập tốt, mà còn giúp bạn phát triển sự nghiệp theo cách phù hợp với chính mình.

Vì thế, đừng vội chọn nghề vì thấy “hot”. Hãy chọn vì bạn hiểu nó, thấy hợp với nó và sẵn sàng đầu tư thời gian, công sức để theo nó tới cùng.

Bạn vẫn đang tìm kiếm hướng đi phù hợp trong ngành Công nghệ thông tin? Khám phá thêm ngay tại chuyên mục Ngành nghề của TrangEdu để tìm hiểu chi tiết về từng ngành học, chuyên ngành, lộ trình nghề nghiệp, kỹ năng cần có, tất cả đều được trình bày dễ hiểu, thực tế và đầy đủ nhất.

Giang Chu
Xin chào, mình là một cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước đây công việc đầu tiên của mình có liên quan tới lĩnh vực giáo dục, mình cũng có tư vấn cho khá nhiều bạn học sinh để có những lựa chọn phù hợp nhất trước khi thi đại học và tính đến năm 2025 mình đã có 8 năm làm công việc tư vấn tuyển sinh.