Ngành Tài chính Ngân hàng (Mã ngành: 7340201)

44395

Ngành Tài chính – Ngân hàng không chỉ đơn thuần là những con số tài chính khô khan, mà còn được coi như là mạch máu của cả một nền kinh tế, là nơi là mỗi quyết định đều có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người.

Bạn đã bao giờ tự hỏi rằng, làm thế nào để một doanh nghiệp nhỏ có thể vươn mình trở thành một tập đoàn lớn, các ngân hàng có thể đứng vững trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu?

Ngành Tài chính ngân hàng có gì đặc biệt? Học ngành này ở đâu? làm công việc gì? và những khó khăn nào bạn sẽ phải đối mặt nếu theo đuổi ngành này?

Tôi là Giang Chu, và tôi ở đây để đồng hành cùng bạn trên con đường tìm hiểu về ngành học Tài chính ngân hàng trong bài viết này!

nganh tai chinh ngan hang trangedu

1️⃣ Giới thiệu chung về ngành Tài chính Ngân hàng

Ngành Tài chính ngân hàng là gì?

Ngành Tài chính – Ngân hàng là lĩnh vực chuyên quản lý, vận hành và phân phối các nguồn lực trong nền kinh tế. Ngành này bao gồm các hoạt động như huy động vốn, cấp tín dụng, quản lý rủi ro, đầu tư và giao dịch tài chính.

Các công việc phổ biến trong ngành liên quan đến ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quản lý tài sản và các dịch vụ tài chính khác.

Và đó là khái niệm về ngành tài chính ngân hàng dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính, tín dụng và ngân hàng.

Còn với góc nhìn của một người làm giáo dục như tôi:

Ngành Tài chính ngân hàng là một lĩnh vực đào tạo cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng liên quan đến quản lý tài chính, đầu tư và các hoạt động ngân hàng.

Chương trình học thường kết hợp giữa lý thuyết kinh tế, tài chính và thực hành các nghiệp vụ như phân tích tài chính, hoạch định ngân sách, quản trị rủi ro và quản lý vốn.

Bạn sẽ được rèn luyện tư duy logic, khả năng ra quyết định và sự nhạy bén trước các biến động kinh tế.

Ngành Tài chính – Ngân hàng trong tiếng Anh được gọi là Finance and Banking.

Ngành Tài chính – Ngân hàng có mã xét tuyển đại học chung là 7340201.

2️⃣ Các chuyên ngành của Tài chính Ngân hàng

Tại Việt Nam, với sự phát triển của các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại và các công ty đầu tư, ngành tài chính ngân hàng đã được mở rộng thành nhiều chuyên ngành khác nhau, mỗi chuyên ngành đều mang tính đặc thù và hướng tới lĩnh vực cụ thể.

Dưới đây là một số chuyên ngành phổ biến của ngành Tài chính ngân hàng của các trường đại học tại Việt Nam:

  • Tài chính doanh nghiệp
  • Đầu tư tài chính
  • Ngân hàng
  • Tài chính
  • Phân tích tài chính
  • Tài chính quốc tế

Việc lựa chọn chuyên ngành phù hợp không chỉ giúp sinh viên phát triển kỹ năng và kiến thức chuyên sâu mà còn định hướng con đường sự nghiệp trong tương lai.

3️⃣ Học ngành Tài chính ngân hàng ở đâu?

Khi lựa chọn trường để theo học ngành Tài chính ngân hàng, bạn nên cân nhắc các tiêu chí về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ hội thực tập và việc làm, cơ sở vật chất và công nghệ của trường.

Dưới đây là danh sách một số trường đại học đào tạo ngành tài chính ngân hàng tốt nhất tại Việt Nam:

Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)

NEU là một trong những trường đại học hàng đầu đào tạo ngành Tài chính ngân hàng tại Việt Nam. Chương trình học chuyên sâu, cập nhật xu hướng tài chính hiện đại như Fintech, chứng khoán, quản lý rủi ro.

Trường có mạng lưới đối tác rộng lớn với các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm sau khi ra trường.

>> Xem thêm: Thông tin tuyển sinh NEU năm 2025

Học viện Ngân hàng (BA)

BA là có môi trường học tập lý tưởng cho sinh viên muốn theo đuổi sự nghiệp trong ngành tài chính. Trường có liên kết chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Sinh viên tại đây được đào tạo bài bản từ lý thuyết, có cơ hội tham gia các chương trình thực tập và tuyển dụng sớm ngay từ năm 3.

>> Xem thêm: Thông tin tuyển sinh BA năm 2025

Trường Đại học Ngoại thương (FTU)

Ngành Tài chính ngân hàng tại FTU có thế mạnh về tài chính quốc tế và thương mại toàn cầu. Chương trình đào tạo hiện đại, kết hợp kiến thức tài chính, ngân hàng và kinh doanh quốc tế.

Sinh viên FTU có lợi thế cạnh tranh cao khi ứng tuyển vào các công ty đa quốc gia, ngân hàng quốc tế và các tập đoàn tài chính lớn.

>> Xem thêm: Thông tin tuyển sinh FTU năm 2025

Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH)

UEH là một trogn những trường đào tạo tài chính ngân hàng hàng đầu khu vực phía Nam. Trường có chương trình giảng dạy thực tế, cập nhật xu hướng kinh tế số và Fintech.

UEH cũng có liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp tài chính, giúp sinh viên có nhiều cơ hội thực tập, networking và phát triển nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

>> Xem thêm: Thông tin tuyển sinh UEH năm 2025

Học viện Tài chính (AOF)

AOF là ngôi trường uy tín, đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực tài chính công, ngân hàng thương mại và đầu tư chứng khoán. Chương trình học bám sát thực tế, với nhiều môn chuyên ngành như phân tích tài chính, kiểm toán ngân hàng.

AOF cũng có mạng lưới hợp tác rộng với các ngân hàng, tổ chức tài chính, mang đến nhiều cơ hội thực tập và việc làm.

>> Xem thêm: Thông tin tuyển sinh AOF năm 2025

Trường Đại học Kinh tế Luật (UEL – ĐHQG TPHCM)

UEL nổi bật với chương trình đào tạo kết hợp giữa tài chính ngân hàng và pháp luật kinh tế. Trường tập trung vào phát triển tư duy phân tích tài chính, quản lý rủi ro và kinh tế số.

Sinh viên tốt nghiệp từ UEL có nền tảng vững chắc để làm việc tại các ngân hàng, công ty kiểm toán, quỹ đầu tư và tổ chức tài chính lớn.

>> Xem thêm: Thông tin tuyển sinh UEL năm 2025

Nếu những trường trên chưa đủ để tham khảo, bạn có thể xem thêm nhiều trường hơn trong bài viết [FULL] Danh sách 103 trường đại học ngành Tài chính ngân hàng để tìm kiếm thêm những lựa chọn khác ở khu vực của bạn.

4️⃣ Các khối thi ngành Tài chính Ngân hàng

Bạn có thể đăng ký xét tuyển ngành Tài chính – Ngân hàng bằng nhiều tổ hợp khác nhau, tùy vào mỗi trường.

Một số tổ hợp môn phổ biến mà các trường thường sử dụng gồm:

  • Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
  • Khối A01 (Toán, Lý, Anh)
  • Khối D01 (Văn, Toán, Anh)
  • Khối D07 (Toán, Hóa, Anh)
>> Xem thêm: Danh sách các khối thi đại học

Ngoài các khối trên, một số trường còn mở rộng xét tuyển qua các tổ hợp khác hoặc sử dụng những phương thức xét tuyển khác như xét kết hợp, xét điểm IELTS hoặc điểm bài thi đánh giá năng lực.

5️⃣ Chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng

Chương trình học ngành Tài chính – Ngân hàng được thiết kế để cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính và quản trị, đồng thời trang bị cả các kỹ năng chuyên sâu giúp bạn có thể làm việc trong lĩnh vực tài chính.

Dưới đây, tôi đã đi bê nguyên chương trình đào tạo ngành Tài chính ngân hàng của Học viện Tài chính về để các bạn tiện tham khảo đây:

I. KIẾN THỨC ĐẠI CƯƠNG
Học phần bắt buộc
Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lê nin 1, 2
Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngoại ngữ cơ bản 1, 2
Toán cao cấp 1, 2
Lý thuyết xác suất và thống kê toán
Pháp luật đại cương
Tin học đại cương
Học phần tự chọn (Chọn 6 tín chỉ trong các học phần sau):
Lịch sử các học thuyết kinh tế
Xã hội học
Quản lý hành chính công
Kinh tế môi trường
Kinh tế phát triển
II. KIẾN THỨC GDTC – GDQP
Giáo dục thể chất (150 tiết)
Giáo dục quốc phòng (165 tiết)
III. KIẾN THỨC GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP
A/ KIẾN THỨC CƠ SỞ KHỐI NGÀNH
Kinh tế vĩ mô
Kinh tế vi mô
B/ KIẾN THỨC CƠ SỞ NGÀNH
Ngoại ngữ chuyên ngành 1, 2
Nguyên lý kế toán
Pháp luật kinh tế
Nguyên lý thống kê
Tài chính tiền tệ
Tin học ứng dụng
Kinh tế lượng
C/ KIẾN THỨC NGÀNH
Quản lý tài chính công
Thuế
Bảo hiểm
Hải quan
Tài chính quốc tế
Quản trị ngân hàng thương mại 1
Thị trường chứng khoán và đầu tư chứng khoán
Định giá tài sản 1
D/ KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH
Học phần bắt buộc
Tài chính doanh nghiệp 1, 2, 3, 4
Phân tích tài chính doanh nghiệp
Học phần tự chọn (Chọn 2 tín chỉ trong các học phần sau):
Quản trị tài chính công ty đa quốc gia
Quản trị tín dụng quốc tế và nợ nước ngoài
E/ KIẾN THỨC BỔ TRỢ
Học phần bắt buộc
Kế toán tài chính 1
Kế toán quản trị 1
Quản trị kinh doanh
Thống kê doanh nghiệp
Quản lý dự án
Học phần tự chọn (Chọn 8 tín chỉ trong các học phần sau):
Kinh tế quốc tế 1
Mô hình toán kinh tế
Internet & Thương mại điện tử
Văn hoá doanh nghiệp
Quan hệ công chúng
Kiểm toán căn bản
Khoa học quản lý
Kinh doanh chứng khoán 1
Kinh doanh bất động sản 1
Kế toán tài chính 4
Marketing căn bản
Tài chính doanh nghiệp (giảng bằng tiếng Anh)
IV. THỰC TẬP CUỐI KHÓA, KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
Thực tập cuối khóa 11
Khóa luận tốt nghiệp 11

6️⃣ Cơ hội nghề nghiệp và việc làm sau tốt nghiệp

Ngành Tài chính ngân hàng luôn được coi là một lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao và ổn định, bởi nó là ngành huyết mạch của nền kinh tế.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc cho các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán hoặc các doanh nghiệp.

Dưới đây là một số công việc cụ thể theo từng lĩnh vực:

Lĩnh vực ngân hàng

  • Giao dịch viên ngân hàng: Làm việc tại quầy, xử lý giao dịch tiền mặt, mở tài khoản, hỗ trợ khách hàng.
  • Chuyên viên tín dụng: Thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, tư vấn các sản phẩm tín dụng.

Lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

  • Chuyên viên tài chính: Quản lý dòng tiền, phân tích báo cáo tài chính, đề xuất các chiến lược tài chính cho doanh nghiệp.
  • Kế toán quản trị: Quản lý ngân sách, lập kế hoạch tài chính nội bộ, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực của công ty.

Tài chính đầu tư

  • Chuyên viên môi giới chứng khoán: Tư vấn cho khách hàng về đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, các quỹ đầu tư.
  • Quản lý quỹ đầu tư: Xây dựng danh mục đầu tư và tối ưu hóa lợi nhuận dựa trên phân tích thị trường.
  • Chuyên viên phân tích đầu tư: Chịu trách nhiệm đánh giá tiềm năng của các dự án đầu tư, phân tích báo cáo và xu hướng thị trường.

Bảo hiểm và quản lý rủi ro

  • Chuyên viên bảo hiểm: Thiết kế các sản phẩm bảo hiểm, tư vấn khách hàng và xử lý các yêu cầu bồi thường.
  • Định phí bảo hiểm: Tính toán mức chi phí bảo hiểm hợp lý dựa trên phân tích rủi ro và các yêu cầu bồi thường.
  • Quản trị rủi ro tài chính: Đánh giá và đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

7️⃣ Bạn có hợp với ngành Tài chính ngân hàng không?

Để biết bạn có phù hợp với ngành tài chính ngân hàng hay không, hãy giúp tôi trả lời những câu hỏi dưới đây:

Thứ nhất, bạn có yêu thích các con số không?

Công việc của ngành tài chính ngân hàng thường liên quan tới các con số, báo cáo tài chính và biểu đồ.

Nếu bạn thấy mình có khả năng xử lý chúng, thích tìm hiểu về chúng thì đây có thể là một điểm cộng.

Thứ hai, bạn có kỹ năng tư duy logic và giải quyết vấn đề không?

Ngành này đòi hỏi sự tư duy phân tích để xử lý các vấn đề tài chính đầy phức tạp, từ quản lý rủi ro đến đánh giá đầu tư.

Nếu bạn giỏi suy luận logic và thích giải quyết vấn đề, đây là một lợi thế lớn.

Thứ ba, bạn có khả năng giao tiếp và làm việc nhóm không?

Làm việc trong ngành tài chính ngân hàng, bạn sẽ thường xuyên phải làm việc với khách hàng, đồng nghiệp cùng đối tác.

Kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng làm việc nhóm và thuyết phục người khác là yếu tố vô cùng quan trọng.

Thứ tư, bạn có sẵn sàng học hỏi và cập nhật kiến thức liên tục không?

Ngành Tài chính ngân hàng luôn thay đổi không ngừng do ảnh hưởng của công nghệ, thị trường và luật pháp.

Nếu bạn dễ dàng thích nghi, không ngừng học hỏi, bạn sẽ dễ dàng tiến xa hơn trong ngành này.

Và cuối cùng, bạn có thể chịu được áp lực cao không?

Tài chính ngân hàng là một ngành có nhịp độ nhanh, yêu cầu chính xác cao và khối lượng công việc lớn.

Nếu bạn có khả năng chịu áp lực tốt và biết cách quản lý thời gian, tôi nghĩ bạn có thể lựa chọn ngành học này.

Những câu hỏi trên dù chỉ là mang tính tham khảo nhưng cũng là một khảo nghiệm để thấy bạn phần nào hợp với ngành tài chính ngân hàng hay không.

Bạn cũng nên cân nhắc kỹ sở thích cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp và khả năng đi được bao xa trong ngành này.

Quan trọng nhất, hãy lựa chọn ngành học mà bạn cảm thấy có động lực để gắn bó lâu dài.

Bài viết đã dài, hẹn gặp lại bạn ở một bài viết khác. Nếu có bất kỳ câu hỏi gì về tuyển sinh hay các ngành nghề đại học, đừng ngần ngại mà nhắn tin cho tôi ngay để được hỗ trợ tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp nhớ.

Còn bây giờ thì..

Chào thân ái và quyết thắng!!

Giang Chu
Xin chào, mình là một cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước đây công việc đầu tiên của mình có liên quan tới lĩnh vực giáo dục, mình cũng có tư vấn cho khá nhiều bạn học sinh để có những lựa chọn phù hợp nhất trước khi thi đại học và tính đến năm 2023 mình đã có 6 năm làm công việc tư vấn tuyển sinh.