Ngành văn hóa du lịch đang thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ, đặc biệt là với những người yêu thích văn hóa và phong tục địa phương. Hãy cùng TrangEdu tìm hiểu chi tiết về ngành này trong bài viết dưới đây.
1. Ngành Văn hoá du lịch là gì?
Văn hóa du lịch là một ngành học giúp sinh viên được học tập và nghiên cứu về văn hóa, ẩm thực, phong tục của các dân tộc và vùng miền.
Sinh viên ngành văn hóa du lịch sẽ được tập trung đào tạo kiến thức về ngôn ngữ, văn học, tăng cường sự hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực này.
Ngành văn hóa du lịch là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố của văn hóa với du lịch, giúp mang lại sự trải nghiệm du lịch độc đáo và phong phú, đồng thời giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Ngành Văn hóa du lịch hiện nay có mã ngành để xét tuyển đại học là 7810106.
2. Các tố chất phù hợp với ngành
“Liệu mình có phù hợp với ngành văn hóa du lịch không?” Đây có phải câu hỏi của bạn khi đọc tới đây? Để trả lời cho câu hỏi này, bạn hãy tham khảo những yếu tố dưới đây:
- Bạn có sở thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và truyền thống của các địa phương, các vùng lãnh thổ và quốc gia khác nhau hay không?
- Bạn có kỹ năng giao tiếp tốt không? Hướng ngoại chính là yếu tố then chốt giúp bạn có thể hòa nhập tốt với ngành văn hóa du lịch.
- Sự linh hoạt và sáng tạo trong công việc và cuộc sống.
- Sự tôn trọng đối với mỗi nền văn hóa khác nhau.
- Kỹ năng quản lý tổ chức một cách bài bản.
- Có ý thức bảo tồn, hiểu biết và tôn trọng giá trị của các di sản văn hóa.
3. Ngành văn hóa du lịch được học những gì?
Khi bạn trở thành một sinh viên ngành văn hóa du lịch thì dưới đây có thể là những môn và kiến thức bạn sẽ được học:
- Văn hóa và lịch sử: Các môn học về văn hóa, phong tục, tập quán, lịch sử của các dân tộc, vùng miền, quốc gia.
- Ẩm thức: Các môn học về nền ẩm thực địa phương và cách nó phản ánh về văn hóa của một khu vực.
- Ngôn ngữ và văn học: Các môn học khám phá sự liên kết giữa ngôn ngữ, văn học và văn hóa cũng như cách chúng được áp dụng trong du lịch.
- Quản lý du lịch và kinh doanh: Các môn học về cách quản lý và kinh doanh trong lĩnh vực du lịch bao gồm marketing, quản lý khách hàng và quản lý sự kiện.
- Bảo tồn và phát huy văn hóa: Các môn học nghiên cứu cách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thông trong bối cảnh toàn cầu hóa.
- Giao tiếp và kỹ năng mềm: Phát triển kỹ năng giao tiếp và kỹ năng mềm khác để có thể tương tác hiệu quả với du khách và cộng đồng.
- Phân tích và đánh giá: Các môn học về cách phân tích và đánh giá các tác động của du lịch đến văn hóa và xã hội.
- Phát triển sản phẩm du lịch: Các môn học tìm hiểu về cách tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn liên quan đến di sản văn hóa.
4. Các trường đào tạo ngành văn hóa du lịch
Tại Việt Nam hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành/chuyên ngành văn hóa du lịch. Nếu bạn đang phân vân lựa chọn thì TrangEdu đã tổng hợp danh sách và điểm chuẩn mới nhất của ngành này dưới đây:
TT | Tên trường | Điểm chuẩn 2022 |
1 | Đại học Văn hóa Hà Nội | 25 – 26 |
2 | Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương | Chuyên ngành |
3 | Đại học Duy Tân | 14 |
4 | Học viện Hành chính Quốc gia | 20.25 – 22.25 |
5 | Đại học Sư phạm Đà Nẵng | Chuyên ngành |
6 | Đại học Đà Lạt | 16 |
7 | Đại học Hạ Long | Chuyên ngành |
8 | Đại học Hải Phòng | Chuyên ngành |
9 | Đại học Khánh Hòa | Chuyên ngành |
10 | Đại học Công nghệ và Quản lý Hải Phòng | Chuyên ngành |
11 | Đại học Bạc Liêu | Chuyên ngành |
12 | Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM | Chuyên ngành |
5. Các khối thi ngành văn hóa du lịch
Khối xét tuyển ngành khối thi văn hóa phụ thuộc vào mỗi trường, dưới đây là một số khối bạn có thể tham khảo là C00, D01, D78, D14, D15.
Bạn có thể xét tuyển ngành văn hóa du lịch theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc xét học bạ.
6. Công việc, mức lương và cơ hội nghề nghiệp của ngành
Ngành Văn hóa du lịch đang ngày càng mở rộng và mang tới nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Dưới đây là một số vị trí công việc phổ biến của ngành bạn nên tham khảo:
- Hướng dẫn viên du lịch: Phụ trách công việc hướng dẫn và giới thiệu du khách về di sản, văn hóa và lịch sử của các địa điểm du lịch.
- Chuyên viên quảng bá và tiếp thị du lịch: Phát triển và thực hiện các chiến lược tiếp thị để quảng bá địa điểm, sản phẩm du lịch văn hóa.
- Quản lý du lịch và sự kiện văn hóa: Quản lý, tổ chức và điều phối các sự kiện và hoạt động du lịch liên quan đến văn hóa.
- Chuyên viên phát triển sản phẩm du lịch: Thiết kế và phát triển các sản phẩm du lịch mới nhằm mang lại trải nghiệm văn hóa độc đáo cho du khách.
- Chuyên viên bảo tồn và quản lý di sản: Quản lý, bảo quản và phát huy giá trị của các di sản văn hóa.
- Nhà nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa du lịch tại các trường đại học, viện nghiên cứu.
- Chuyên viên tư vấn du lịch: Phụ trách hỗ trợ du khách trong việc lựa chọn và sắp xếp các trải nghiệm du lịch văn hóa.
Các vị trí công việc trong ngành văn hóa du lịch có mức lương tương đối khác nhau, dao động trong khoảng 8 – 12 triệu. Một số vị trí các bạn có thể có mức lương cao hơn rất nhiều phụ thuộc vào mỗi cá nhân.
7. Các thách thức và khó khăn của ngành
Ngành văn hóa du lịch dù có nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với một số thách thức và khó khăn dưới đây:
- Nhu cầu nhu lịch tăng lên kéo theo các mối đe dọa tới văn hóa địa phương, khiến việc bảo tồn các giá trị truyền thống trở nên khó khăn.
- Sự phát triển thiếu kiểm soát có thể gây tác động tới môi trường cả về văn hóa và tự nhiên.
- Ngành văn hóa du lịch có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và đào tạo nhân lực chất lượng, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa và kinh nghiệm trong ngành.
- Các yếu tố như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính sách của Chính phủ hoặc dịch bệnh có thể gây ra các ảnh hưởng lớn tới ngành.
- Việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật mới có thể gây khó khăn với một số công ty dy lịch.
Thông qua sự kết hợp tinh tế giữa di sản, truyền thống, nghệ thuật và hiện đại, ngành văn hóa du lịch mở ra một cánh cửa để bạn khám phá sự đa dạng về văn hóa của thế giới. Du phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng ngành này vẫn sẽ tiếp tục thay đổi và phát triển.
Ngành văn hóa du lịch đầy tiềm năng và mang lại nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập trong bối cảnh kinh tế phát triển.
Qua bài viết trên của TrangEdu, hi vọng các bạc sẽ có thể tìm được thông tin quan trọng, hỗ trợ tích cực trong quá trình tìm hiểu và lựa chọn ngành nghề cho tương lai.