Xin chào các bạn, đặc biệt là những bạn đang có sự quan tâm nhất định tới ngành công nghệ thông tin.
Trong thời đại mà công nghệ bùng nổ như hiện nay, ngành công nghệ thông tin theo tôi nghĩ vẫn là “vua các nghề”.
Với sức hút mạnh mẽ cùng tiềm năng phát triển vượt bậc, đây chính là thời điểm để các bạn khám phá và chinh phục ngành học đầy hứa hẹn này.
1️⃣ Giới thiệu chung về ngành Công nghệ thông tin
Ngành công nghệ thông tin là gì?
Theo tôi tra được trên Chat GPT, ngành công nghệ thông tin là một ngành học ứng dụng công nghệ trong xử lý, lưu trữ, bảo mật và truyền tải dữ liệu.
Còn theo tôi được biết, ngành công nghệ thông tin, tiếng Anh là Information Technology, hay còn được gọi với cái tên dân dã “ai ti” (IT), được cho là “vua” mọi nghề ở Việt Nam.
Ngành học này được gắn với văn mẫu “tôi có thằng em học Bách khoa sinh năm 96 học IT kiếm 9 – 10k$”.
Hay
“Ngành IT Việt Nam hiện nay ở đầu của sự phát triển. Có thể nói IT là vua của các nghề. Vừa có tiền, có quyền. Vừa kiếm được nhiều tiền lại được xã hội trọng vọng.”
Các bạn đọc những dòng trên có thấy quen không?
Cũng chẳng có gì lạ, ngành công nghệ thông tin vốn nổi trội ở Việt Nam là vậy. Ngành này vốn là nền tảng của các hệ thống phần mềm, mạng lưới máy tính và các ứng dụng thông minh phục vụ con người.
Theo tôi thống kê được, hiện nay công nghệ thông tin bao gồm khá nhiều mảng như lập trình, trí tuệ nhân tạo, quản trị hệ thống, an ninh mạng…
Vì công nghệ thông tin là ngành học thuộc lĩnh vực công nghệ nên nó luôn không ngừng đổi mới.
Và trong thời đại công nghệ số như hiện nay, ngành học này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Tôi nói vậy cũng chẳng phải là quá bởi vì bạn cứ thử nhìn xem, có mấy thứ trong cuộc sống hiện nay không có sự góp mặt của công nghệ thông tin chứ?
Ngành Công nghệ thông tin có mã ngành xét tuyển đại học là 7480201.
Lịch sử phát triển ngắn gọn của ngành IT
Công nghệ thông tin đã có sự phát triển đáng kể từ những năm thập kỷ 40, là mốc thời gian mà chiếc máy tính đầu tiên xuất hiện.
Tuy nhiên, ngành này chỉ thực sự bùng nổ vào những năm 80 – 90 thế kỷ trước, khi mà máy tính cá nhân và mạng internet dần trở nên phổ biến.
Từ đó tới nay, công nghệ thông tin bắt đầu trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với bất kỳ tổ chức nào, từ các doanh nghiệp cho tới các tổ chức giáo dục, tổ chức chính phủ và y tế.
Tầm quan trọng của IT trong xã hội hiện nay
Tôi sẽ tóm lược tầm quan trọng của ngành công nghệ thông tin trong 04 chấm đầu dòng dưới đây:
- Công nghệ thông tin được ứng dụng trong tự động hóa quy trình của doanh nghiệp giúp nâng cao hiệu quả;
- Công nghệ thông tin cung cấp nền tảng truy cập thông tin toàn cầu qua mạng internet, từ đó bạn và tôi có thể liên lạc với người thân, bạn bè qua các phương tiện mạng xã hội;
- Công nghệ thông tin tạo ra một lượng lớn cơ hội việc làm, góp phần vào định hình cấu trúc kinh tế, xã hội;
- Công nghệ thông tin đóng vai trò thúc đẩy tiến bộ khoa học và nghiên cứu, đặc biệt trong học máy, trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra thì còn rất nhiều thứ khác mà tôi không muốn cho vào bài viết, bởi vì nó quá dài.
2️⃣ Các chuyên ngành của Công nghệ thông tin
Chuyên ngành của công nghệ thông tin thì phải nói là hằng hà sa số. Kể ra chắc tôi với bạn phải mất vài ngày (chắc vậy).
Thế nên dưới đây tôi sẽ chia sẻ với bạn những chuyên ngành phổ biến và thú vị nhất của ngành công nghệ thông tin:
- Phát triển phần mềm và Lập trình ứng dụng
- An toàn thông tin và Bảo mật mạng
- Trí tuệ nhân tạo (AI) và Học máy (Machine Learning)
- Mạng máy tính và Hệ thống phân tán
- Quản lý dự án công nghệ thông tin
- Cơ sở dữ liệu và Quản lý dữ liệu
- Quản lý dịch vụ và Hỗ trợ người dùng
- Công nghệ Web và Ứng dụng di động
- Khoa học dữ liệu và Phân tích dữ liệu
- Truyền thông và Đồ họa máy tính
Một câu hỏi mà có thể nhiều bạn nữ quan tâm, đó là “Con gái nên học chuyên ngành nào của công nghệ thông tin?”
Theo tôi, các bạn nữ có thể học và thành công trong bất kỳ chuyên ngành nào của công nghệ thông tin nếu có đủ năng lực và đam mê.
IT vốn không phân biệt giới tính và mang tới cơ hội phát triển trong lĩnh vực này cho cả nam và nữ là y như nhau.
Và đối với những bạn nữ, tôi có một số chuyên ngành khuyến khích các bạn tham khảo như: Phát triển phần mềm, Mạng và bảo mật, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Thiết kế giao diện người dùng (UX/UI), Quản lý dự án công nghệ thông tin.
>> Xem thêm: Phân biệt ngành Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính |
3️⃣ Học ngành công nghệ thông tin cần những kỹ năng gì?
Dù mình không phải là một người thành công, nhưng với kinh nghiệm của một người từng theo học ngành công nghệ thông tin như tôi, để theo học ngành này, bạn nên tập trung vào 5 nhóm kỹ năng chính dưới đây:
Kỹ năng tư duy logic và giải quyết vấn đề
Tư duy logic chính là nền tảng để bạn học lập trình và phân tích dữ liệu.
Học ngành công nghệ thông tin, bạn sẽ phải phân tích các vấn đề phức tạp và xé nhỏ chúng ra để từng bước xử lý.
Hãy luyện tập cách nhìn nhận vấn đề đa góc độ để tìm ra phương pháp tối ưu, nhất là khi phải đi fix các bug trong lập trình hoặc vận hành hệ thống.
Kiến thức toán học cơ bản
Các chuyên ngành thuộc công nghệ thông tin hầu hết đều yêu cầu kiến thức về toán học (đại số, logic, xác suất thống kê).
Mặc dù toán không phải là tất cả nhưng sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận với các thuật toán công nghệ hơn.
Kỹ năng tự học và tìm kiếm thông tin
Tự học vốn là điều cần thiết đối với mọi ngành.
Ngành công nghệ thông tin thì lại có tốc độ thay đổi và đào thải rất khủng khiếp, vậy nên bạn sẽ cần phải tự học rất nhiều để tự cập nhật kiến thức cho bản thân.
Kỹ năng tìm kiếm sẽ bổ trợ bạn trong việc tìm kiếm kiến thức cũng như giải quyết các vấn đề nhanh chóng.
Kỹ năng mềm
Chẳng có gì lạ khi bạn sẽ thường xuyên hợp tác với đồng đội trong các dự án, vậy nên kỹ năng giao tiếp sẽ là một lợi thế đấy.
Ngoài ra, khối lượng công việc của ngành công nghệ thông tin luôn rất lớn, bạn nên biết cách quản lý thời gian và phân bổ chúng hợp lý.
Kỹ năng lập trình
Hãy làm quen với một số ngôn ngữ lập trình cơ bản như Python, Java hay C++. Chúng là những công cụ để bạn xây dựng phần mềm và xử lý dữ liệu.
Còn nữa, hãy tìm hiểu thêm về một số công cụ và nền tảng hỗ trợ như Git, SQL và các framework phổ biến như React, Spring…
Lời khuyên của tôi
Đừng sợ khó, công nghệ thông tin dù khó thật nhưng cũng không quá khó như nhiều bạn nghĩ.
Thứ bạn cần là sự kiên nhẫn và chăm chỉ, thực hành nhiều lên, thử sức với các bài tập nhỏ trên các nền tảng như LeetCode, HackerRank để nâng cao kiến thức và kỹ năng.
Hãy xây dựng các mối quan hệ với những người trong ngành, từ đó học hỏi kinh nghiệm thực tế.
Và trên hết, chỉ cần bạn có đam mê và đủ kiên trì, tôi chắc chắn bạn sẽ thành công với ngành công nghệ thông tin.
4️⃣ Chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin
Chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin tại các trường đại học ở Việt Nam thường được thiết kế phù hợp để sinh viên có thể nắm được các kiến thức nền tảng, kỹ năng chuyên môn và khả năng thực hành sau khi ra trường.
Dưới đây là ví dụ về chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội:
TT | Tên học phần | Số tín chỉ |
I | KHỐI KIẾN THỨC CHUNG | 16 |
1 | Triết học Mác – Lênin | 3 |
2 | Kinh tế chính trị Mác – Lênin | 2 |
3 | Chủ nghĩa xã hội khoa học | 2 |
4 | Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam | 2 |
5 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 2 |
6 | Tiếng Anh B1 | 5 |
7 | Giáo dục thể chất | 4 |
8 | Giáo dục quốc phòng – an ninh | 8 |
II | KHỐI KIẾN THỨC THEO LĨNH VỰC | 22 |
9 | Đại số | 4 |
10 | Giải tích 1 | 4 |
11 | Giải tích 2 | 4 |
12 | Vật lý đại cương 1 | 2 |
13 | Vật lý đại cương 2 | 2 |
14 | Giới thiệu về Công nghệ thông tin | 3 |
15 | Nhập môn lập trình | 3 |
III | KHỐI KIẾN THỨC THEO KHỐI NGÀNH | 10 |
16 | Tín hiệu và hệ thống | 3 |
17 | Cấu trúc dữ liệu và giải thuật | 4 |
18 | Chọn 1 trong 2 học phần: | 3/6 |
Toán trong công nghệ | ||
Xác suất thống kê | ||
IV | KHỐI KIẾN THỨC THEO NHÓM NGÀNH | 30 |
19 | Lập trình nâng cao | 4 |
20 | Toán học rời rạc | 4 |
21 | Kiến trúc máy tính | 4 |
22 | Nguyên lý hệ điều hành | 4 |
23 | Cơ sở dữ liệu | 4 |
24 | Mạng máy tính | 4 |
25 | Công nghệ phần mềm | 3 |
26 | Lập trình hướng đối tượng | 3 |
V | KHỐI KIẾN THỨC NGÀNH | 48 |
a | Các học phần bắt buộc | 18 |
27 | Hệ quản trị cơ sở dữ liệu | 3 |
28 | Phân tích và thiết kế hướng đối tượng | 3 |
29 | Phát triển ứng dụng Web | 3 |
30 | Trí tuệ nhân tạo | 3 |
31 | Các vấn đề hiện đại Công nghệ thông tin | 3 |
32 | Thực tập chuyên ngành | 3 |
b | Các học phần tự chọn | 18/90 |
b1 | Học phần chuyên ngành Công nghệ phần mềm | |
33 | Kiểm thử và đảm bảo chất lượng phần mềm | 3 |
34 | Kiến trúc phần mềm | 3 |
35 | Phương pháp hình thức | 3 |
36 | Lập trình nhúng và thời gian thực | 3 |
37 | Thu thập và phân tích yêu cầu | 3 |
38 | Quản lý dự án phần mềm | 3 |
39 | Thiết kế giao diện người dùng | 3 |
40 | Phát triển ứng dụng di động | 3 |
41 | Phát triển ứng dụng di động nâng cao | 3 |
b2 | Học phần chuyên ngành Hệ thống thông tin | |
42 | Cơ sở dữ liệu phân tán | 3 |
43 | Kho dữ liệu | 3 |
44 | Khai phá dữ liệu | 3 |
45 | Nhập môn an toàn thông tin | 3 |
46 | Phân tích, đánh giá hiệu năng hệ thống | 3 |
47 | Tích hợp hệ thống | 3 |
48 | Phân tích thiết kế các HTTT | 3 |
b3 | Học phần chuyên ngành Mạng và truyền thông máy tính | |
49 | Thực hành hệ điều hành mạng | 3 |
50 | Mạng không dây | 3 |
51 | Lập trình mạng | 3 |
52 | Truyền thông đa phương tiện | 3 |
53 | An toàn và an ninh mạng | 3 |
54 | Điện toán đám mây | 3 |
55 | Quản trị mạng | 3 |
b4 | Học phần chuyên ngành Khoa học máy tính và dịch vụ | |
56 | Khoa học dịch vụ | 3 |
57 | Kiến trúc hướng dịch vụ | 3 |
58 | Các hệ thống thương mại điện tử | 3 |
59 | Xử lý ảnh | 3 |
60 | Lập trình thi đấu | 33 |
61 | Tin sinh học | 3 |
62 | Dự án công nghệ | 3 |
c | Các học phần bổ trợ | 5 |
c1 | Các học phần bắt buộc | 2 |
63 | Pháp luật và đạo đức nghề nghiệp trong Công nghệ thông tin | 2 |
c2 | Các học phần bắt buộc | 3/50 |
64 | Phương pháp tính | 3 |
65 | Tối ưu hóa | 3 |
66 | Tiếng Anh bổ trợ | 4 |
67 | Các học phần thuộc Ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử – Viễn thông | |
Xử lý tín hiệu số | 4 | |
Linh kiện điện tử | 3 | |
Kỹ thuật điện | 3 | |
Điện tử tương tự | 3 | |
Điện tử số | 3 | |
68 | Các học phần thuộc Khối ngành Kinh tế | |
Kinh tế vi mô | 3 | |
Nguyên lý quản trị kinh doanh | 3 | |
Nguyên lý Marketing | 3 | |
Khởi sự và tạo lập doanh nghiệp | 3 | |
69 | Các học phần thuộc Khối ngành Luật kinh doanh | |
Lý luận về nhà nước và pháp luật | 3 | |
Lịch sử nhà nước và pháp luật | 3 | |
Luật hiến pháp | 3 | |
Luật hành chính | 3 | |
d | Khóa luận tốt nghiệp/ Các học phần thay thế khóa luận tốt nghiệp | 7 |
70 | Khóa luận tốt nghiệp | 7 |
Các học phần thay thế khóa luận tốt nghiệp | ||
71 | Dự án (bắt buộc) | 4 |
72 | 3 tín chỉ từ danh sách các học phần tự chọn theo các định hướng mà sinh viên chưa học | 3 |
5️⃣ Một số các trường đại học ngành công nghệ thông tin
Bạn không biết học ngành công nghệ thông tin ở đâu? Đừng lo, tôi sẽ giới thiệu một vài cái tên nổi bật tại Việt Nam, nơi đào tạo dân IT “xịn sò” để bạn tham khảo. Những trường này không chỉ có tiếng mà còn giúp bạn vững bước trên con đường sự nghiệp sau này.

Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST)
Đây là “ông lớn” trong đào tạo các ngành học về kỹ thuật và công nghệ nói chung. Trường nổi tiếng với chương trình lập trình, kỹ thuật máy tính chất lượng cao. Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin của HUST thường từ 27-29 điểm.
Nếu bạn thích môi trường học tập nghiêm túc và cơ hội làm việc ở các công ty công nghệ lớn, đây chính là lựa chọn hàng đầu.
Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội đang có 2 chương trình chuẩn đào tạo ngành công nghệ thông tin đó là CNTT: Khoa học máy tính và CNTT: Kỹ thuật máy tính. Ngoài ra trường còn có một số chương trình đào tạo công nghệ thông tin quốc tế như Công nghệ thông tin Global, Công nghệ thông tin Việt Pháp, Công nghệ thông tin Việt Anh.
>> Xem thêm: Thông tin tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2025
Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
Thuộc hệ thống Đại học Quốc gia, Trường Đại học Công nghệ là một trường đại học chất lượng đào tạo nhiều ngành về công nghệ, kỹ thuật tại Hà Nội, trong đó có công nghệ thông tin.
Điểm chuẩn ngành công nghệ thông tin của trường thường từ 25-28 điểm. Trường chú trọng vào nghiên cứu và thực hành, rất hợp với những bạn nào muốn vừa học vừa làm dự án thực tế.
>> Xem thêm: Thông tin tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN năm 2025
Trường Đại học Công nghệ thông tin – ĐHQG TPHCM (UIT)
Tọa lạc tại TPHCM, UIT chuyên đào tạo công nghệ thông tin với các chuyên ngành như an ninh mạng, lập trình, dữ liệu lớn. Điểm chuẩn ngành CNTT của trường thường dao động từ 25-28 điểm. Trường có cơ sở vật chất hiện đại, rất hợp với bạn nào muốn học thực hành nhiều.
>> Xem thêm: Thông tin tuyển sinh UIT năm 2025
Trường Đại học FPT
Với hệ thống cơ sở đào tạo xuyên suốt cả Bắc (Hà Nội) – Trung (Đà Nẵng) – Nam (TPHCM, Cần Thơ), đại học FPT là một lựa chọn rất “sáng” cho những bạn nào muốn học ngành công nghệ thông tin.
Trường này mạnh về đào tạo thực tế, học xong là làm được luôn. Các chuyên ngành CNTT ở đây như trí tuệ nhân tạo, phần mềm đều “hot”.
Điểm chuẩn ngành CNTT của trường Đại học FPT khoảng 20 – 24. Ngoài ra, bạn cũng có thể xét tuyển bằng học bạ hoặc kỳ thi riêng. Bạn nào thích kiểu học năng động, quốc tế thì nên thử.
>> Xem thêm:
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN
Nổi bật với chương trình đào tạo tư duy nền tảng cực tốt. Điểm chuẩn ngành CNTT tại HUS tầm 24-27 điểm. Nếu bạn muốn vừa học công nghệ thông tin, vừa nghiên cứu chuyên sâu, đây là trường mà bạn nên cân nhắc lựa chọn.
>> Xem thêm: Thông tin tuyển sinh HUS năm 2025
Mỗi trường đều có thế mạnh riêng, tùy vào sở thích và khả năng của bạn mà chọn cho phù hợp. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các trường đại học ngành công nghệ thông tin khác, có thể truy cập bài viết Full Danh sách các trường đại học ngành công nghệ thông tin.
6️⃣ Ngành công nghệ thông tin thi khối nào?
Để xét tuyển vào ngành IT, các khối phổ biến nhất chính là A00, A01 và D01. Hầu hết các trường kỹ thuật trên toàn quốc hiện nay sử dụng chính là khối A00 và A01 để xét tuyển ngành Công nghệ thông tin.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể cân nhắc một số tổ hợp mở rộng khác như A02, C01, D07, D90 và K01.
Một số lưu ý:
- Khối A00 và A01 là hai khối thi phổ biến nhất và được nhiều trường ưu tiên xét tuyển;
- Nếu bạn giỏi tiếng Anh thì A01 và D01 sẽ là lựa chọn tốt, bởi tiếng Anh rất quan trọng trong ngành công nghệ thông tin;
- Một số trường có thể yêu cầu thêm các bài kiểm tra năng lực hoặc phỏng vấn.
7️⃣ Cơ hội nghề nghiệp, vị trí công việc
Cơ hội nghề nghiệp
Theo tôi thấy, ngành Công nghệ thông tin là một trong những ngành học được cho là có cơ hội việc làm rộng mở nhất tại Việt Nam hiện nay cũng như trên toàn cầu.

Theo báo cáo của TopDev, mỗi năm, Việt Nam cần thêm khoảng 150.000 – 200.000 nhân sự ngành công nghệ thông tin, vậy nhưng nguồn cung chỉ đủ đáp ứng 60 – 70%.
Vậy mới thấy được thị trường lao động công nghệ thông tin đang “khát nhân lực” như thế nào.
Chính phủ và doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế…
-> Điều này chẳng phải càng khiến nhu cầu về nhân lực ngành công nghệ thông tin ở mọi lĩnh vực tăng mạnh nữa hay sao?
Các vị trí công việc
Dưới đây là một số vị trí việc làm hấp dẫn trong ngành Công nghệ thông tin:
Lĩnh vực | Vị trí công việc |
Phát triển phần mềm (Software Development) | Lập trình viên (Web Developer, Mobile Developer) |
Kỹ sư phần mềm (Software Engineer) | |
Kỹ sư kiểm thử phần mềm (QA/QC Tester) | |
Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (Data & AI) | Kỹ sư dữ liệu (Data Engineer) |
Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist) | |
Chuyên gia học máy (Machine Learning Engineer) | |
An ninh mạng (Cybersecurity) | Chuyên viên bảo mật thông tin (Information Security Specialist) |
Kỹ sư hệ thống mạng (Network Engineer) | |
Quản lý và vận hành hệ thống (System Management) | Kỹ sư DevOps |
Quản trị hệ thống (System Administrator) | |
Quản trị cơ sở dữ liệu (Database Administrator) | |
Các công nghệ mới nổi | Kỹ sư Blockchain |
Kỹ sư IoT (Internet of Things) | |
Kỹ sư thực tế ảo/AR (Virtual Reality/Augmented Reality Developer) |
>> Xem thêm: Top 07 việc làm ngành Công nghệ thông tin hot nhất
Mức lương hấp dẫn
Sinh viên mới ra trường, mức lương khởi điểm có thể từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, tùy theo kỹ năng và vị trí công việc.
Các nhân sự có kinh nghiệm từ 2-5 năm có thể có mức lương dao động từ 20 – 40 triệu đồng/tháng.
Đối với các chuyên gia hoặc quản lý cấp cao, mức lương ngành IT có thể lên tới 50 – 100 triệu đồng/tháng hoặc hơn, đặc biệt với những nhna sự của các công ty công nghệ lớn như FPT, VNG, Shopee…
Lĩnh vực làm việc đa dạng
Bạn học công nghệ thông tin nhưng không có nghĩa ra trường bạn chỉ có thể làm việc ở những công ty về công nghệ.
Bởi vì bất cứ ngành nghề nào giờ cũng cần ứng dụng công nghệ vào, ví dụ như:
- Tài chính – Ngân hàng: Các hệ thống thanh toán, bảo mật và dữ liệu của khách hàng.
- Y tế: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào xử lý dữ liệu trong chẩn đoán bệnh, lưu trữ hồ sơ, bảo hiểm của bệnh nhân.
- Giáo dục: Phát triển các phần mềm học trực tuyến, nền tảng E-learning.
- Giải trí: Phát triển game, công nghệ thực tế ảo…
Một số xu thế của ngành công nghệ thông tin mà tôi nghĩ bạn nên tham khảo như Trí tuệ nhân tạo và Học máy, Blockchain, An ninh mạng và Phát triển phần mềm tự động hóa…
8️⃣ Khó khăn của ngành công nghệ thông tin
Đương nhiên có nhiều điểm tốt như vậy thì cũng phải có những khó khăn nhất định, bởi chẳng có thứ gì là hoàn hảo.
Dưới đây là một số khó khăn của ngành công nghệ thông tin mà tôi nghĩ bạn cần biết:
- Khối lượng kiến thức lớn, có thể nói là khổng lồ. À mà nó còn thay đổi không ngừng nữa chứ.
- Nhiều bạn có thể sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận với các ngôn ngữ lập trình hay cấu trúc giải thuật phức tạp, nhất là nếu bạn không có nền tảng tư duy tốt.
- Người làm IT thường xuyên phải làm việc với cường độ cao, phải “chạy deadline” liên tục, có thể phải làm việc ngoài giờ, đặc biệt là khi gặp phải các bug “khoai”.
- Một lỗi nhỏ thôi cũng đủ khiến cả hệ thống của bạn “đi bụi”, dẫn tới việc bạn phải ngồi cả buổi để dò bug và debug, rất là mất thời gian nhé.
- Làm việc nhiều giờ trước máy tính có thể khiến khung xương của bạn gặp vấn đề. Đau lưng, mỏi mắt và căng thẳng thần kinh là chuyện xảy ra như cơm bữa.
- Và cuối cùng, tôi muốn nói rằng ngành công nghệ thông tin mặc dù rất khát nhân lực nhưng độ cạnh tranh thì thôi rồi, đặc biệt là khi bạn ứng tuyển vào những công ty lớn.
Ngành công nghệ thông tin không phải con đường dễ dàng để đi. Nhưng nếu bạn thực sự có đủ đam mê, nhiệt huyết, chịu khó học hỏi, không sợ thất bại thì tôi chắc chắn bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng.
Thành công không chỉ nằm ở việc biết nhiều, hiểu nhiều mà còn ở khả năng bạn áp dụng vào thực tế như thế nào.
Hãy bắt đầu từ những bước nhỏ, nhưng đừng bao giờ ngừng tiến về phía trước.
Chào thân ái và quyết thắng!!