Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, QA Tester (Quality Assurance Tester) – Đảm bảo chất lượng phần mềm là một vị trí không thể thiếu nhằm đảm bảo sản phẩm vận hành một cách trơn tru trước khi đến tay người dùng.
Vậy nhưng nghề QA Tester là gì? Công việc cụ thể ra sao? lộ trình phát triển thế nào và mức lương có hấp dẫn không?
![qa tester la gi](https://trangedu.com/wp-content/uploads/2023/07/qa-tester-la-gi.jpg)
Nếu bạn đang tìm hiểu về QA Tester và muốn biết liệu đây có phải là một nghề nghiệp phù hợp với bản thân hay không, bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện từ A-Z về nghề này.
Hãy cùng tôi khám phá ngay nhé!
1️⃣ Giới thiệu chung về QA Tester
QA Tester là gì?
QA Tester (Quality Assurance Tester) – Đảm bảo chất lượng phần mềm, là một quá trình giúp đảm bảo sản phẩm phần mềm hoạt động ổn định, đáp ứng đúng yêu cầu và không có lỗi nghiêm trọng trước khi được phát hành.
QA Tester không chỉ đơn thuần là tìm lỗi (bug) mà còn bao gồm việc xây dựng các quy trình kiểm thử, tối ưu hóa sản phẩm và cải thiện trải nghiệm người dùng.
Đây là một trong những vị trí quan trọng giúp doanh nghiệp cung cấp phần mềm chất lượng cao, giảm thiểu rủi ro và nâng cao uy tín thương hiệu.
Vai trò của QA trong quy trình phát triển phần mềm
Trong một dự án phần mềm, QA đóng vai trò bảo vệ chất lượng sản phẩm thông qua việc:
- Phát hiện bug trong quá trình phát triển
- Đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng phần mềm
- Đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu từ khách hàng
- Kiểm tra hiệu suất, tính bảo mật và khả năng tương thích trên nhiều thiết bị
Nhờ có QA, doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí sửa lỗi sau khi phần mềm được ra mắt, đồng thời giúp tăng trải nghiệm người dùng, giữ chân khách hàng lâu dài.
Sự khác biệt giữa QA Tester, QC Tester và Tester
Khi tìm hiểu về nghề QA Tester, nhiều bạn thường nhầm lẫn giữa QA Tester, QC Tester và Tester.
Dưới đây tôi cung cấp một bảng so sánh giúp bạn hiểu rõ hơn về 3 nghề này:
Yếu tố so sánh | QA Tester | QC Tester | Tester |
Mục tiêu | Đảm bảo quy trình tạo ra phần mềm chất lượng | Kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng | Tìm lỗi trong phần mềm |
Phương pháp | Phòng ngừa lỗi ngay từ đầu | Xác định và sửa lỗi sau khi đã phát triển | Chạy thử nghiệm trên phần mềm |
Trách nhiệm | Xây dựng quy trình kiểm thử, tiêu chuẩn chất lượng | Đánh giá chất lượng sản phẩm | Kiểm tra tính năng, phát hiện lỗi |
Công cụ sử dụng | Test plan, checklist, automation frameworks | Manual & automation testing tools | Bug tracking tools như JIRA, TestRail |
Thông qua bảng so sánh trên, có thể thấy được QA Tester có phạm vi hoạt động rộng hơn, đảm bảo quy trình xây dựng phần mềm chất lượng.
QC Tester và Tester là những bước cơ bản nằm trong quy trình QA Tester để kiểm tra và phát hiện lỗi.
2️⃣ Công việc của một QA Tester là làm gì?
QA Tester liệu có phải chỉ là kiểm thử phần mềm?
Nhiều người thường nghĩ rằng QA chỉ đơn thuần là kiểm thử phần mềm (Testing), nhưng thực tế, công việc của QA bao gồm nhiều giai đoạn hơn bạn nghĩ nhiều.
Một QA không phải chỉ đi tìm lỗi mà còn phải xây dựng kế hoạch kiểm thử, tối ưu quy trình và đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng trước khi đến tay người dùng.
Dưới đây là danh sách các công việc chính của một QA trong lĩnh vực IT:
🔹 Viết tài liệu kiểm thử (Test Plan, Test Case, Test Script)
Test Plan: Kế hoạch kiểm thử, xác định phạm vi, phương pháp, công cụ và lịch trình kiểm thử phần mềm.
Test Case: Tập hợp các kịch bản kiểm thử để kiểm tra từng tính năng của sản phẩm.
Test Script: Các đoạn mã kiểm thử tự động để kiểm tra nhanh chóng và chính xác hơn.
Ví dụ, khi phát triển một ứng dụng ngân hàng, QA Tester phải lập kế hoạch kiểm thử cho từng tính năng như đăng nhập, chuyển tiền, xem số dư…
🔹 Thực hiện kiểm thử phần mềm (Manual & Automation Testing)
Manual Testing
- Trực tiếp kiểm tra từng chức năng bằng tay
- Mô phỏng trải nghiệm thực tế của người dùng
- Áp dụng với phần mềm mới, chưa có test script tự động.
Automation Testing
- Viết script kiểm thử bằng Selenium, Appium, Cypress…
- Giúp kiểm thử nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian và công sức
- Áp dụng khi cần kiểm thử nhiều lần.
🔹 Phát hiện lỗi, báo cáo và theo dõi tiến độ fix bug
- Báo cáo bug thông qua các công cụ như JIRA, Bugzilla, TestRail.
- Làm việc với các developer để xác định nguyên nhân và giải pháp sửa lỗi
- Kiểm tra lại lỗi đã sửa để đảm bảo phần mềm hoạt động đúng.
🔹 Đánh giá hiệu suất và bảo mật phần mềm
- Performance Testing: Đánh giá tốc độ, khả năng chịu tải của hệ thống khi có nhiều người truy cập.
- Security Testing: Kiểm tra lỗ hổng bảo mật để ngăn chặn hacker tấn công.
- Compatibility Testing: Đảm bảo ứng dụng hoạt động tốt trên các hệ điều hành, trình duyệt, thiết bị khác nhau.
🔹 Phối hợp với đội phát triển để cải tiến quy trình
- Làm việc chặt chẽ với developer, product manager, business analyst để hiểu rõ yêu cầu dự án.
- Góp ý cải tiến sản phẩm, tối ưu trải nghiệm người dùng.
- Đề xuất cải tiến quy trình kiểm thử để tăng hiệu quả.
Không chỉ đơn giản là tìm lỗi, QA Tester còn xây dựng quy trình kiểm thử chuyên nghiệp, giữ vai trò như “người bảo vệ chất lượng” của sản phẩm phần mềm.
3️⃣ Lộ trình học tập và phát triển sự nghiệp của QA Tester
Nghề QA có tương lai không?
Nhu cầu về QA ngày càng tăng cao do dự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin và sự phổ biến của các ứng dụng di động, website, phần mềm doanh nghiệp.
Các công ty công nghệ, đặc biệt là startup và tập đoàn lớn luôn cần đội ngũ QA để đảm bảo sản phẩm không có lỗi, hoạt động mượt mà và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Nếu bạn đang muốn tham gia lĩnh vực này, hãy cùng tôi tìm hiểu lộ trình phát triển từ Junior đến Senior và các vị trí cao hơn của nghề này.
🔹 Lộ trình từ Junior đến Senior nghề QA Tester
Giai đoạn 1: Junior QA (Người mới bắt đầu – Fresher/Entry-level QA)
- Học kiến thức cơ bản về kiểm thử phần mềm
- Tìm hiểu các loại kiểm thử (Functional Testing, Performance Testing, Security Testing…)
- Sử dụng các công cụ cơ bản như JIRA, TestRail, Postman, Selenium (nếu có Automation Testing)
- Viết Test Cases, Test Plans, thực hiện kiểm thử thủ công.
- Học cách báo cáo bug và theo dõi lỗi với Bug Tracking Tools.
Thời gian từ 6-12 tháng, mục tiêu là thành thạo kiểm thử thủ công, nắm rõ quy trình QA trong dự án.
Giai đoạn 2: Mid-level QA (QA Tester có kinh nghiệm từ 1-3 năm)
- Nâng cao kỹ năng kiểm thử, thực hành kiểm thử tự động
- Làm việc với các công cụ như Selenium, Cypress, JMeter, Appium.
- Tìm hiểu về API Testing, Database Testing (SQL), CI/CD pipelines.
- Tích lũy kinh nghiệm làm việc trong môi trường Agile/Scrum.
- Học về Performance Testing, Security Testing, cải thiện khả năng tìm các lỗi phức tạp.
Thời gian từ 1-3 năm, mục tiêu là thành thạo cả Manual & Automation Testing, có thể xử lý các dự án lớn.
Giai đoạn 3: Senior QA (Chuyên gia kiểm thử phần mềm từ 3-5 năm kinh nghiệm)
- Trở thành chuyên gia kiểm thử phần mềm với khả năng tư vấn chiến lược kiểm thử
- Quản lý quy trình kiểm thử, tối ưu hiệu suất kiểm thử phần mềm
- Xây dựng framework kiểm thử tự động (Automation Framework)
- Có khả năng làm Test Lead, hướng dẫn đội nhóm QA Junior
- Am hiểu về DevOps, CI/CD, API Testing, Cloud Testing.
Thời gian từ 3-5 năm, mục tiêu là có khả năng dẫn dắt dự án kiểm thử và quản lý đội nhóm QA.
🔹 Các hướng phát triển sự nghiệp cao hơn trong ngành QA
- QA Lead/QA Manager: Quản lý đội ngũ QA, lập kế hoạch kiểm thử, tối ưu quy trình.
- Test Architect: Thiết kế hệ thống kiểm thử phần mềm, xây dựng quy trình kiểm thử tự động.
- Automation Engineer: Chuyên về kiểm thử tự động, viết script kiểm thử bằng code.
- Software Development in Test (SDET): Pha trộn giữa QA và lập trình viên, có khả năng viết code kiểm thử nâng cao.
Nếu bạn tích làm việc với mã nguồn, hãy học thêm Python, Java, JavaScript để trở thành SDET hoặc chuyên gia Automation Testing.
4️⃣ Các kỹ năng cần có của một QA Tester Pro
Làm QA Tester có cần biết lập trình không?
Một trong những câu hỏi phổ biến của newbie trong lĩnh vực QA Tester là “QA có cần phải biết lập trình không?”.
Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào hướng đi của bạn.
Nếu bạn chỉ muốn làm Manual Testing, bạn không nhất thiết phải biết lập trình, nhưng bạn sẽ cần phải hiểu logic của phần mềm.
Nếu bạn muốn phát triển thành Automation Tester hoặc SDET, biết lập trình sẽ là một lợi thế rất lớn.
Bây giờ, hãy cùng tôi khám phá những kỹ năng quan trọng giúp bạn trở thành một QA Pro chuyên nghiệp.
Kỹ năng chuyên môn cần có
🔹 Hiểu biết về kiểm thử phần mềm
- Nắm rõ các loại kiểm thử như Manual Testing, Automation Testing, Performance Testing, Security Testing, API Testing…
- Biết về các giai đoạn kiểm thử (Software Testing Life Cycle)
- Hiểu về quy trình phát triển phần mềm (Software Development Life Cycle, Agile, Scrum, DevOps)
🔹 Sử dụng thành thạo các công cụ kiểm thử
- Bug Tracking & Test Management như JIRA, TestRail, Bugzilla
- Automation Testing như Selenium, Cypress, Appium (cho Mobile Testing)
- API Testing như Postman, REST Assured
- Performance Testing như JMeter, LoadRunner.
Ví dụ: Nếu bạn làm QA cho một trang thương mại điện tử, bạn có thể sử dụng Postman để kiểm tra API của giỏ hàng hoặc JMeter để kiểm tra hiệu suất khi có nhiều người truy cập cùng lúc.
🔹 Kỹ năng SQL và làm việc với Database
- Biết cách viết truy vấn SQL cơ bản để kiểm tra dữ liệu trong Database
- Hiểu về Data Validation, Data Integrity để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu.
🔹 Kiến thức về DevOps & CI/CD
- Hiểu cách tích hợp kiểm thử vào quy trình DevOps
- Làm việc với Jenkins, Docker, Git để tự động hóa kiểm thử
Kỹ năng mềm quan trọng đối với một QA
🔹 Tư duy logic và phân tích vấn đề
QA cần có khả năng phát hiện lỗi từ những chi tiết nhỏ nhất và suy luận để tìm ra nguyên nhân gốc rễ vấn đề.
🔹 Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm
QA thường xuyên phải làm việc với Developer, Product Manager, Business Analyst, vì vậy khả năng giao tiếp hiệu quả giúp cải thiện quy trình làm việc.
🔹 Tính cẩn thận, kiên nhẫn
Kiểm thử phần mềm yêu cầu sự tỉ mỉ, kiên trì, đặc biệt là khi phải kiểm tra đi kiểm tra lại một tính năng để đảm bảo không còn lỗi.
🔹 Khả năng học hỏi nhanh
Công nghệ luôn thay đổi, vì vậy QA Tester cần cập nhật kiến thức thường xuyên về công cụ mới, ngôn ngữ lập trình và phương pháp kiểm thử hiện đại.
5️⃣ Lương QA Tester tại Việt Nam và cơ hội việc làm
Mức lương của QA Tester có cao không?
Mức lương của QA Tester tại Việt Nam khá hấp dẫn, đặc biệt là đối với những người có kỹ năng Automation Testing hoặc Test Lead/QA Manager.
Lương QA phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng, công ty và khu vực làm việc.
Dưới đây là mức lương trung bình của QA Tester theo cấp độ:
Cấp bậc | Mức lương trung bình (VNĐ/tháng) |
Fresher QA (0 – 1 năm) | 8 – 12 triệu |
Junior QA (1 – 3 năm) | 12 – 18 triệu |
Mid-level QA (3 – 5 năm) | 18 – 30 triệu |
Senior QA (5+ năm) | 30 – 50 triệu |
QA Lead/QA Manager | 50 – 80 triệu |
Automation QA/SDET | 30 – 70 triệu |
Mức lương trên có thể thay đổi tùy vào công ty và khả năng của từng cá nhân.
QA Tester có kỹ năng Automation Testing hoặc làm việc tại các công ty nước ngoài thường có mức lương cao hơn.
Cơ hội việc làm của nghề QA Tester tại Việt Nam
Nhu cầu tuyển dụng QA ngày càng cao
Các công ty công nghệ, công ty fintech, thương mại điện tử đều cần QA để kiểm thử phần mềm trước khi ra mắt thị trường.
Xu hướng chuyển đổi số và sự phát triển của AI, Blockchain, IoT khiến nhu cầu kiểm thử phần mềm chất lượng cao ngày càng tăng.
Các công ty lớn thường xuyên tuyển dụng QA Tester
- Các tập đoàn công nghệ lớn như FPT Software, VNG, VCCorp, Tinh Vân, NashTech, KMS Technology.
- Các công ty fintech và ngân hàng như Momo, Vietcombank, Techcombank, TPBank…
- Các công ty startup và outsourcing như Tiki, Shopee, Lazada, Grab, VinID.
QA có thể làm việc ở những đâu?
- Làm việc trong nhóm phát triển phần mềm tại các công ty phần mềm
- Làm kiểm thử phần mềm cho nhiều khách hàng khác nhau tại các công ty outsource
- Làm kiểm thử nền tảng mua sắm trực tuyến cho các công ty thương mại điện tử
- Đảm bảo hệ thống giao dịch an toàn, bảo mật cho các ngân hàng, công ty tài chính
- Kiểm thử các hệ thống thông minh, công nghệ mới cho các doanh nghiệp API, blockchain, IoT.
Xu hướng phát triển của nghề QA Tester trong tương lai
- Các công ty đang dần chuyển sang kiểm thử tự động nhằm tối ưu hóa thời gian và chi phí.
- Kiểm thử bảo mật (Security Testing) và Kiểm thử ứng dụng AI (AI Testing) sẽ trở thành xu hướng trong tương lai.
- Nhiều QA-er tại Việt Nam có thể làm việc từ xa cho các công ty nước ngoài, hưởng mức lương cao hơn các công ty tại Việt Nam.
6️⃣ Học ngành gì để ra trường làm QA Tester?
Làm QA Tester có cần bằng đại học không?
Câu trả lời là: Bạn không nhất thiết phải có bằng đại học.
Tuy nhiên, nếu bạn có nền tảng từ một số ngành học liên quan, việc học và phát triển trong lĩnh vực QA sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Dưới đây là những ngành học phù hợp nhất để sau khi tốt nghiệp, bạn có thể dễ dàng làm việc trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm.
🔹 Ngành Công nghệ thông tin – Lựa chọn phổ biến nhất
Vì sao nên học công nghệ thông tin để làm QA Tester?
- Ngành học này cung cấp nền tảng về lập trình, hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu.
- Giúp bạn hiểu cách phần mềm hoạt động thế nào sẽ dễ dàng kiểm thử sản phẩm hơn.
- Giúp bạn có cơ hội phát triển lên các vị trí cao hơn như Automation QA, Test Architect, SDET.
Các môn học hữu ích với nghề QA:
- Lập trình cơ bản (Python, Java, C++)
- Cơ sở dữ liệu (SQL)
- Phát triển phần mềm (SDLC, Agile, DevOps)
- Kiểm thử phần mềm
🔹 Ngành Khoa học máy tính – Hướng đi chuyên sâu về thuật toán và hệ thống
Vì sao nên học khoa học máy tính để làm QA Tester?
- Có kiến thức chuyên sâu về thuật toán, cấu trúc dữ liệu giúp bạn hiểu phần mềm vận hành ra sao.
- Dễ dàng chuyển hướng sang Automation Testing hoặc lập trình kiểm thử.
- Cơ hội làm việc trong các công ty công nghệ lớn, nơi yêu cầu QA có hiểu biết sâu về hệ thống.
Các môn học hữu ích với nghề QA:
- Lập trình (Java, Python)
- Hệ điều hành, mạng máy tính
- Trí tuệ nhân tạo, Machine Learning, nếu muốn kiểm thử AI Systems.
🔹 Ngành Hệ thống thông tin – Học Quản lý nhưng vẫn làm QA được
Vì sao nên học ngành Hệ thống thông tin để làm QA Tester?
- Ngành học này thiên về quản lý hệ thống công nghệ thông tin, phân tích yêu cầu và quy trình vận hành phần mềm.
- Nếu bạn thích làm QA nhưng không quá mạnh về lập trình, đây là một lựa chọn phù hợp.
- Có thể mở rộng sang vị trí QA Manager, Test Lead hoặc Business Analyst trong tương lai.
Các môn học hữu ích với nghề QA:
- Quản lý hệ thống thông tin
- Phân tích yêu cầu và thiết kế hệ thống
- Cơ sở dữ liệu và bảo mật hệ thống
🔹 Toán – Tin ứng dụng – Học chuyên sâu về logic và thuật toán
Vì sao nên học ngành Toán – Tin để làm QA Tester?
- Học toán giúp bạn có tư duy logic, phân tích lỗi nhanh hơn.
- Nếu bạn giỏi toán và thích thử nghiệm phần mềm có thể trở thành QA chuyên về Performance Testing, AI Testing hoặc Data Testing.
- Có thể làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao như fintech, blockchain, AI.
Các môn học hữu ích với nghề QA:
- Toán rời rạc, thống kê, xác suất
- Lập trình Python cho phân tích dữ liệu
- Machine Learning & AI, nếu muốn làm kiểm thử hệ thống AI
🔹 Học ngành không liên quan đến công nghệ thông tin có thể làm QA không?
Câu trả lời là CÓ. Bạn vẫn có thể làm QA dù không học công nghệ thông tin.
- Học các ngành kinh tế, tài chính, ngoại ngữ vẫn có thể làm QA nếu bạn chịu khó học hỏi về kiểm thử phần mềm.
- Một số QA xuất thân tử ngành quản trị kinh doanh, marketing nhưng đã tự học và thành công trong nghề.
- Nếu thiếu hụt kiến thức về công nghệ thông tin, bạn có thể tham gia các khóa học QA ngắn hạn, học Manual Testing trước rồi nâng cấp lên Automation Testing sau.
Vậy học ngành nào dễ làm QA nhất?
Ngành học | Mức độ phù hợp với QA | Hướng đi tốt nhất |
Công nghệ thông tin (CNTT) | ⭐⭐⭐⭐⭐ | QA Manual, Automation QA, QA Lead |
Khoa học máy tính | ⭐⭐⭐⭐ | QA Automation, SDET |
Hệ thống thông tin | ⭐⭐⭐⭐ | QA, Business Analyst (BA) |
Toán – Tin ứng dụng | ⭐⭐⭐ | QA AI Testing, Data Testing |
Ngành khác (kinh tế, tài chính…) | ⭐⭐ | QA Manual, cần tự học thêm |
7️⃣ So sánh QA Tester với các nghề IT khác
Nhiều bạn khi tìm hiểu về nghề QA thường thắc mắc “QA khác gì với Developer, Tester hay BA? Nên theo QA hay học lập trình để trở thành Developer? QA có phải con đường dễ đi trong lĩnh vực công nghệ thông tin?”
Dưới đây, tôi sẽ giúp bạn trả lời những thắc mắc trên thông qua bảng so sánh sau:
So sánh QA Tester và Developer – nên làm kiểm thử hay lập trình viên?
Tiêu chí so sánh | QA Tester | Developer |
Công việc chính | Kiểm thử, đảm bảo phần mềm hoạt động đúng và không có lỗi | Viết mã nguồn để phát triển phần mềm |
Kỹ năng cần có | Tư duy logic, phân tích, cẩn thận, khả năng tìm lỗi | Giỏi lập trình, sáng tạo giải pháp |
Mức độ liên quan đến coding | Không cần biết lập trình với Manual QA, cần với Automation QA | Bắt buộc biết lập trình |
Công cụ sử dụng | JIRA, Selenium, Postman, JMeter, Appium… | Java, Python, JavaScript, SQL, Frameworks |
Mức lương (VNĐ/tháng) | 10 – 50 triệu | 12 – 80 triệu |
Cơ hội thăng tiến | QA Lead, Test Architect, SDET, QA Manager | Senior Developer, Tech Lead, Solution Architect |
Khó khăn trong nghề | Lặp đi lặp lại các test cases, đôi khi bị đánh giá thấp hơn Developer | Áp lực deadline cao, phải liên tục cập nhật công nghệ mới |
So sánh QA Tester và Tester
Tiêu chí so sánh | QA Tester | Tester |
Công việc chính | Đảm bảo quy trình tạo ra sản phẩm chất lượng | Chạy thử nghiệm phần mềm, phát hiện lỗi |
Phạm vi công việc | Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, tối ưu quy trình kiểm thử | Kiểm thử phần mềm dựa trên test cases |
Trách nhiệm | Đảm bảo phần mềm đạt tiêu chuẩn từ đầu | Tìm lỗi trong sản phẩm đã được phát triển |
Mức lương | 12 – 50 triệu | 8 – 20 triệu |
So sánh QA Tester và BA (Business Analyst)
Tiêu chí so sánh | QA Tester | BA |
Công việc chính | Kiểm thử phần mềm, đảm bảo sản phẩm hoạt động đúng | Phân tích yêu cầu, viết tài liệu cho Developer và QA |
Kỹ năng quan trọng | Kiểm thử, tìm lỗi, viết test case | Phân tích nghiệp vụ, giao tiếp với khách hàng |
Công cụ sử dụng | JIRA, Selenium, Postman | JIRA, Confluence, Microsoft Visio |
Mức lương | 12 – 50 triệu | 15 – 60 triệu |
8️⃣ Nghề QA Tester có đáng để theo đuổi không?
Sau khi tìm hiểu toàn bộ thông tin về nghề QA Tester phía trên, chắc hẳn bạn đã có cái nhìn rõ hơn về công việc, lộ trình phát triển và tiềm năng của nghề này.
Nhưng liệu QA Tester có phải là con đường phù hợp với bạn không? Điều đó hẳn bạn đã là người rõ hơn ai cả.
Nghề QA Tester không chỉ đơn thuần là kiểm thử phần mềm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm công nghệ.
Với mức lương hấp dẫn, cơ hội thăng tiến rõ ràng và nhu cầu tuyển dụng cao, QA là một lựa chọn đáng cân nhắc cho những ai muốn làm việc trong ngành IT mà không cần giỏi lập trình ngay từ đầu.
Nếu bạn có tư duy logic, cẩn thận, yêu thích kiểm thử và muốn làm việc trong môi trường công nghệ, thì QA Tester chính là nghề tiềm năng dành cho bạn.
Chào Thân ái và Quyết thắng!!