Xin chào các bạn, vừa qua, Chính phủ đã và đang khuyến khích học sinh giỏi theo học các ngành STEM.
Vậy bạn đã biết stem là gì và nó gồm những ngành học nào chưa?
Hãy cùng tôi khám phá thông qua bài viết dưới đây nhé.
1. STEM là gì?
STEAM chính là viết tắt của những từ S – Science (khoa học), T – Technology (công nghệ), E – Engineering (kỹ thuật) và M – Mathematics (toán học). Đây cũng là 4 khối ngành lớn thuộc các ngành nghề đại học hiện nay.
Stem thực chất là một phương pháp giáo dục liên ngành tích hợp những yếu tố trên nhằm phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng về thực hành.
Các lĩnh vực trong STEM không chỉ học riêng rẽ mà được kết hợp lại với nhau để giải quyết những vấn đề cụ thể.
Ví dụ như làm sao để thiết kế một chiếc cầu có thể chịu được tải trọng lớn? Điều này cần kết hợp kiến thức về toán học, vật lý và kỹ thuật.
Mục tiêu của STEM chính là học để làm ra một sản phẩm thực tế, từ đó các bạn có thể hiểu rõ được giá trị của những thứ mình đang học là như thế nào.
2. STEM gồm những yếu tố nào?
Như tôi đã đề cập bên trên, STEM bao gồm các yếu tố như sau:
- Science (Khoa học): Yếu tố này giúp cho các bạn có thể hiểu về thế giới tự nhiên thông qua các thí nghiệm và nghiên cứu.
- Technology (Công nghệ): Yếu tố này trang bị cho bạn kiến thức về những công nghệ hiện đại để bạn có thể vận dụng vào trong đời sống, từ máy tính cho tới phần mềm.
- Engineering (Kỹ thuật): Yếu tố này giúp bạn phát triển tư duy về thiết kế, xây dựng và vận hành các hệ thống.
- Mathematics (Toán học): Đây là công cụ nền tảng giúp bạn phân tích, tính toán và giải quyết các bài toán thực tiễn.
3. Tại sao bạn nên quan tâm tới ngành stem?
Các ngành stem không chỉ giúp bạn có cơ hội có được một công việc tốt và còn giúp bạn rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm.
Điều này bạn không thấy rất quan trọng với những người đang sống trong thời đại công nghệ và đổi mới sáng tạo như chúng ta sao?
Nếu bạn thích khoa học, bạn có thể nghiên cứu về môi trường hoặc các sản phẩm giúp bảo vệ môi trường.
Nếu bạn yêu công nghệ, hãy theo đuổi lập trình AI hay thiết kế các trò chơi.
Và nếu bạn thích nghệ thuật, lại còn giỏi công nghệ, tại sao không chọn ngay cho mình ngành thiết kế đồ họa hoặc làm phim 3D?
Stem không phải một ngành duy nhất mà là một hệ sinh thái với rất nhiều lựa chọn, hãy tìm hiểu kỹ xem ngành học nào thực sự phù hợp với sở thích và năng lực của mình.
4. Học các ngành STEM có thể tham gia lĩnh vực nào?
Việc học các ngành stem có thể mở ra rất nhiều “cánh cửa” thú vị và đầy tiềm năng.
Dưới đây là 07 lĩnh vực bạn có thể tham gia khi theo học các ngành stem:
Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo
Trong lĩnh vực này, bạn có thể làm những công việc như lập trình phần mềm, phát triển ứng dụng di động, thiết kế website, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hoặc big data.
Một số vị trí công việc nổi bật trong lĩnh vực này có thể kể tới như Kỹ sư phần mềm, Nhà phát triển ứng dụng hay Chuyên gia AI hoặc Machine Learning.
Công nghệ thông tin là xương sống của thời đại công nghệ số, có thể nói là “vua” các ngành với mức lương cao và cơ hội làm việc quốc tế, đương nhiên là nếu bạn có năng lực.
Kỹ thuật và công nghệ chế tạo
Thiết kế và chế tạo máy móc, hệ thống tự động hóa hay sản xuất công nghệ cao là những công việc quan trọng giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất và phát triển công nghệ mới.
Một số vị trí công việc nổi bật trong ngành này như kỹ sư cơ khí, kỹ sư chế tạo robot, chuyên gia lĩnh vực in 3D.
Khoa học y sinh và y học
Lĩnh vực này tập trung vào nghiên cứu cơ thể con người, phát triển công nghệ y tế và cải tiến các thiết bị chẩn đoán, điều trị.
Ngành học này giúp bạn trực tiếp nghiên cứu về người và phát triển những công nghệ mang tính cách mạng trong y học.
Một số vị trí công việc ngành này như nhà khoa học nghiên cứu dược phẩm, kỹ sư y sinh chế tạo thiết bị y tế, chuyên gia phân tích dữ liệu…
Năng lượng tái tạo
Làm việc trong lĩnh vực này chủ yếu nhằm tìm kiếm các giải pháp năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió và các nghiên cứu bảo vệ môi trường.
Đây là một lĩnh vực mang tính bền vững, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và bảo vệ Trái Đất.
Một số công việc tham khảo như kỹ sư năng lượng mặt trời, kỹ sư môi trường, chuyên gia quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Toán học ứng dụng và khoa học dữ liệu
Hoạt động trong lĩnh vực này, bạn sẽ sử dụng toán học để giải quyết các vấn đề phức tạp, phân tích dữ liệu và xây dựng các mô hình dự đoán.
Lĩnh vực này cần thiết đối với mọi ngành, từ kinh doanh, y tế cho tới công nghệ.
Một số vị trí công việc tham khảo như Data Scientist, chuyên gia phân tích tài chính, Cryptographer.
Công nghệ hàng không vũ trụ
Đây là lĩnh vực dành cho những bạn yêu thích khám phá bầu trời và chinh phục những vì “tinh tú”.
Những công việc trong lĩnh vực này bao gồm thiết kế máy bay, tàu vũ trụ và nghiên cứu về các hành tinh, không gian.
Một số vị trí công việc trong lĩnh vực: Kỹ sư hàng không, nhà khoa học vũ trụ,…
Nhà sản xuất nội dung và truyền thông kỹ thuật số
Đây thực sự là lĩnh vực nổi bật trong thời gian gần đây, nó là sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật.
Các công việc của lĩnh vực này có thể các bạn không còn xa lạ nữa như sáng tạo nội dung, thiết kế đồ họa, phát triển trò chơi hoặc làm phim hoạt hình 3D.
Một số vị trí công việc nổi bật như UX/UI, chuyên gia thực tế ảo (AR/VR), nhà sản xuất game.
5. Kết lại
Bước vào các ngành nhóm STEM, bạn không chỉ có cơ hội được học hỏi những kiến thức hữu ích mà còn được trải nghiệm những công nghệ và ý tưởng dẫn đầu xu hướng.
Thị trường lao động hiện nay luôn “khát” nhân lực trong các lĩnh vực này.
Bởi vậy, việc lựa chọn các ngành STEM sẽ mang lại cho bạn cả sự ổn định lẫn cơ hội phát triển, là thứ ai mà chẳng mong muốn.
Và quan trọng nhất tôi muốn nhắc bạn, đừng chần chừ đối với những thứ mình thích, mà hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, không ngừng học hỏi để xây dựng một tương lai tươi sáng cho bản thân.
Chào thân ái và quyết thắng!!