Ngành Giao thông vận tải đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt là tại Việt Nam ta, nơi hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng được mở rộng và hiện đại hóa.
Với nhu cầu ngày càng cao về vận tải hàng hóa và hành khách, đây là một ngành học rất tiềm năng, mang lại nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho các bạn trẻ đam mê kỹ thuật và quản lý.
Vậy ngành Giao thông vận tải học gì? Cơ hội việc làm ra sao?
Hãy cùng tôi khám phá thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Giới thiệu về ngành giao thông vận tải
Điện – đường – trường – trạm, 4 yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của bất kỳ quốc gia nào.
Và “đường” ở đây chính là thể hiện cho giao thông vận tải, nó đóng vai trò kết nối con người, hàng hóa và các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Việt Nam, nền kinh tế đang trên đà hội nhập và phát triển mạnh mẽ, hệ thống giao thông vận tải chính là huyết mạch giúp thúc đẩy lưu thông, giao thương giữa các vùng miền và hội nhập quốc tế.
Sự phát triển của hạ tầng giao thông không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn mở ra cơ hội việc làm hấp dẫn cho hàng triệu người lao động.
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các công trình giao thông trọng điểm như đường cao tốc, cảng biển, sân bay, hạ tầng logistics, điều này mang đến hàng ngàn cơ hội việc làm cho các kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực này.
Ngành Giao thông vận tải không chỉ dừng lại ở việc xây dựng hạ tầng mà còn bao gồm cả quản lý và điều hành vận tải, logistics, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình vận hành và giám sát.
Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu rộng và hiểu biết về các xu hướng công nghệ mới như AI, IoT, Big Data, giao thông thông minh.
2. Ngành Giao thông vận tải là gì?
Ngành Giao thông vận tải là lĩnh vực đóng vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, tập trung vào nhiệm vụ thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý hệ thống hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo sự lưu thông thuận lợi của con người và hàng hóa.
Đây là ngành học có sự kết hợp giữa kỹ thuật, quản lý và công nghệ, góp phần và sự phát triển bền vững cho xã hội.
Hiện nay, Việt Nam đang chú trọng đầu tư vào hệ thống giao thông hiện đại nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Từ việc nâng cấp đường bộ, mở rộng hệ thống đường sắt cho tới phát triển cảng biển và sân bay tiêu chuẩn quốc tế.
3. Các lĩnh vực chính trong ngành Giao thông vận tải
Ngành giao thông vận tải được chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng, đóng góp vào hệ thống giao thông toàn điện của đất nước.
Giao thông đường bộ
Giao thông đường bộ là lĩnh vực phổ biến và quan trọng nhất, đóng vai trò chủ đạo trong vận chuyển hàng hóa và hành khách.
Các công việc chính trong giao thông đường bộ:
- Thiết kế, xây dựng và bảo trì đường cao tốc, cầu, hầm đường bộ;
- Quản lý, điều hành hệ thống giao thông thông minh;
- Ứng dụng công nghệ vào vận hành hệ thống đường bộ như thu phí tự động, kiểm soát giao thông đô thị.
Các dự án đường cao tốc Bắc – Nam, mở rộng quốc lộ 1A, hệ thống giao thông thông minh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những ví dụ điển hình.
Giao thông đường sắt
Hệ thống giao thông đường sắt là phương thức vận tải mang tính an toàn cao, tiết kiệm nhiên liệu và phù hợp với vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn trên quãng đường dài.
Các công việc chính trong giao thông đường sắt:
- Thiết kế, thi công hệ thống đường ray, nhà ga;
- Quản lý và vận hành hệ thống đường cao tốc, tàu đô thị (metro);
- Ứng dụng công nghệ hiện đại như hệ thống điều khiển tự động, tích hợp tín hiệu và dữ liệu.
Tuyến metro Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang dần hoàn thiện, mang lại giải pháp vận tải hiệu quả cho đô thị đông dân là những ví dụ điển hình.
Giao thông hàng hải và đường thủy nội địa
Giao thông đường biển và đường thủy nội địa đóng vai trò quan trọng trong vận tải quốc tế và nội địa, giúp kết nối nước ta với thị trường quốc tế.
Các công việc chính trong lĩnh vực hàng hải:
- Quản lý, khai thác cảng biển và logistics;
- Thiết kế và bảo dưỡng tàu biển, thiết bị hàng hải;
- Điều phối và vận hành tuyến vận tải biển quốc tế và nội địa.
Ví dụ điển hình: Cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, cảng Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa.
Giao thông hàng không
Lĩnh vực hàng không là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh chóng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế và du lịch.
Các công việc chính trong lĩnh vực hàng không:
- Quản lý và điều hành sân bay;
- Quản lý an toàn bay, điều phối chuyến bay;
- Bảo trì và vận hành hệ thống máy bay, kiểm soát không lưu.
Ví dụ điển hình: Các sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Long Thành (đang xây dựng) là các trung tâm vận chuyển hàng không vô cùng quan trọng của nước ta.
Logistics và vận tải đa phương thức
Logistics và vận tải là lĩnh vực kết nối các hình thức vận chuyển trên lại với nhau, nhằm tối ưu hóa quy trình phân phối hàng hóa.
Các công việc chính trong lĩnh vực logistics:
- Quản lý kho bãi, hệ thống lưu trữ và vận chuyển hàng hóa;
- Tối ưu hóa chuỗi cung ứng, lập kế hoạch vận tải;
- Ứng dụng công nghệ số trong quản lý logistics thông minh.
Ví dụ điển hình: Các doanh nghiệp như ViettelPost, Giao hàng tiết kiệm, J&T đang áp dụng công nghệ AI và Big Data vào nhằm tối ưu vận chuyển.
4. Vai trò của kỹ sư giao thông vận tải
Kỹ sư giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, thiết kế, thi công và quản lý hạ tầng giao thông, đảm bảo sự hoạt động an toàn và hiệu quả của hệ thống giao thông.
Một số vai trò chính:
- Lập kế hoạch và thiết kế: Xây dựng chiến lược phát triển giao thông dài hạn;
- Thi công, giám sát thi công: Đảm bảo chất lượng công trình giao thông theo tiêu chuẩn quốc tế;
- Ứng dụng công nghệ: Sử dụng phần mềm và công nghệ mới trong tối ưu hóa quản lý giao thông;
- Đảm bảo an toàn giao thông: Phát triển các giải pháp giúp giảm thiểu tai nạn, bảo vệ môi trường.
5. Các chuyên ngành của Giao thông vận tải
Ngành Giao thông vận tải bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau, mỗi ngành lại tập trung vào một khía cạnh cụ thể của hệ thống giao thông, từ thiết kế, thi công hạ tầng cho đến quản lý vận tải và logistics.
Dưới đây là những chuyên ngành phổ biến và tiềm năng:
- Kỹ thuật giao thông đường bộ
- Giao thông hàng không
- Giao thông hàng hải và đường thủy nội địa
- Logistics và vận tải đa phương thức
- Kỹ thuật cầu đường sắt
- Công nghệ giao thông thông minh
6. Chương trình đào tạo ngành giao thông vận tải
Chương trình đào tạo ngành Giao thông vận tải được thiết kế giúp trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng và vận hành hệ thống giao thông hiện đại.
Nội dung đào tạo bao gồm cả lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên có thể áp dụng kiến thức vào thực tế sau khi tốt nghiệp.>
6.1 Khối kiến thức chính trong chương trình đào tạo
Chương trình học ngành Giao thông vận tải thường kéo dài 4 – 5 năm, chia theo các khối kiến thức sau:
Kiến thức đại cương
Giúp sinh viên nắm vững nền tảng khoa học cơ bản, làm cơ sở để học các môn chuyên ngành.
Một số môn học tiêu biểu:
- Toán cao cấp;
- Vật lý đại cương;
- Tin học ứng dụng;
- Pháp luật đại cương;
- Tiếng Anh chuyên ngành;
Kiến thức cơ sở ngành
Cung cấp kiến thức tổng quát về giao thông vận tải, từ thiết kế hạ tầng đến quản lý vận hành hệ thống giao thông.
Một số môn học tiêu biểu:
- Cơ học ứng dụng trong giao thông;
- Kỹ thuật vật liệu xây dựng công trình giao thông;
- Nguyên lý thiết kế hệ thống giao thông;
- Địa chất công trình;
- Trắc địa công trình giao thông;
- Kinh tế vận tải và logistics.
Kiến thức chuyên ngành
Sinh viên sẽ lựa chọn chuyên ngành phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp của mình.
Các chuyên ngành phổ biến:
a) Kỹ thuật giao thông đường bộ
- Thiết kế và quy hoạch hệ thống đường bộ;
- Công nghệ thi công cầu, đường cao tốc;
- Kết cấu mặt đường và nền móng giao thông.
b) Giao thông hàng không
- Quản lý khai thác sân bay;
- Điều phối không lưu và an toàn bay;
- Vận tải hàng không và logistics.
c) Giao thông đường sắt
- Thiết kế đường sắt và hạ tầng nhà ga;
- Điều khiển và vận hành hệ thống đường sắt đô thị.
d) Hàng hải và đường thủy nội địa
- Quản lý khai thác cảng biển;
- Đóng tàu và quản lý vận hành tàu thủy.
e) Logistics và vận tải đa phương thức
- Tổ chức vận tải và quản lý chuỗi cung ứng;
- Công nghệ thông tin trong logistics.
6.2 Kỹ năng cần trang bị
Ngoài những kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành giao thông vận tải cần rèn luyện những kỹ năng dưới đây để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động:
- Kỹ năng sử dụng phần mềm chuyên ngành như AutoCAD, Civil 3D, SAP2000;
- Kỹ năng quản lý dự án, lập kế hoạch, kiểm soát tiến độ và ngân sách dự án;
- Kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, thuyết trình và đàm phán trong môi trường làm việc quốc tế;
- Kỹ năng phân tích dữ liệu: Ứng dụng Big Data vào quản lý giao thông đô thị;
- Kỹ năng
6.3 Cơ hội thực tập và thực tế ngành
Hầu hết các chương trình đào tạo ngành giao thông vận tải đều có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thực tế.
Các hình thức phổ biến:
- Thực tập tại các công ty xây dựng hạ tầng giao thông lớn như Tổng công ty cầu đường, Vingroup, FLC;
- Tham gia thực tế tại các công trình giao thông lớn như đường cao tốc, sân bay, cảng biển;
- Làm việc tại các trung tâm điều hành giao thông thông minh, học hỏi cách vận hành hệ thống giao thông đô thị hiện tại.
Sinh viên có thể tham gia thực tập để tiếp cận công nghệ mới và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong ngành. Điều này sẽ giúp bạn gia tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
7. Các trường đại học đào tạo ngành giao thông vận tải
Hiện nay có nhiều trường đại học tại Việt Nam đào tạo ngành giao thông vận tải với chất lượng tốt, tập trung vào thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp.
Nếu đam mê ngành giao thông vận tải, bạn có thể tham khảo một số trường như:
- Đại học Bách khoa Hà Nội;
- Trường Đại học Xây dựng Hà Nội;
- Trường Đại học Giao thông vận tải.

8. Cơ hội việc làm ngành giao thông vận tải
Ngành Giao thông vận tải là một trong những ngành học then chốt trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông và sự phát triển của các dịch vụ logistics, ngành này mang đến nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho các bạn trẻ.
8.1 Các vị trí công việc phổ biến trong ngành giao thông vận tải
Kỹ sư thiết kế và thi công công trình giao thông
- Thực hiện thiết kế, xây dựng và bảo trì hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không;
- Sử dụng các phần mềm chuyên ngành như AutoCAD, Civil 3D để lập bản vẽ và tính toán kỹ thuật;
- Tham gia giám sát, thi công các công trình cầu đường, sân bay, cảng biển.
Kỹ sư thiết kế và thi công công trình giao thông có thể làm việc tại các công ty xây dựng giao thông lớn như Cienco4, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Quản lý dự án giao thông
- Điều phối các dự án xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình;
- Lập kế hoạch tài chính, phân bổ nguồn lực và giám sát các công đoạn thi công;
- Quản lý an toàn giao thông, đảm bảo tính hiệu quả của các dự án hạ tầng.
Công việc quản lý dự án giao thông có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Giao thông vận tải, Sở giao thông các tỉnh và thành phố.
Chuyên viên phân tích và quản lý logistics
- Quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa hệ thống vận tải hàng hóa đường bộ, đường biển và hàng không;
- Sử dụng công nghệ trong điều phối và vận hành kho bãi, logistics thông minh;
- Lập kế hoạch vận tải tối ưu cho doanh nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng hiệu suất.
Chuyên viên phân tích và quản lý logistics có thể làm việc tại các doanh nghiệp logistics lớn như Viettel Post, DHL, Giao hàng tiết kiệm, Lazada Logistics, J&T Express…
Chuyên viên điều phối vận tải
- Điều phối phương tiện vận tải hàng hóa và hành khách hiệu quả;
- Sử dụng phần mềm giám sát hành trình để quản lý luồng phương tiện;
- Lập kế hoạch điều hành tuyến đường vận chuyển, tối ưu hóa chi phí.
Công việc chuyên viên điều phối vận tải có thể làm việc tại các công ty vận tải đường bộ, hàng không như Vietnam Airline, Vinasun, Mai Linh…
Kỹ sư công nghệ giao thông thông minh
- Phát triển và triển khai các giải pháp giao thông thông minh như hệ thống thu phí tự động, quản lý giao thông đô thị bằng AI;
- Ứng dụng IoT vào giám sát giao thông;
- Nghiên cứu và triển khai các giải pháp giao thông bền vững, thân thiện với môi trường.
Các kỹ sư công nghệ giao thông thông minh có thể làm việc trong các dự án đô thị thông minh của các thành phố lớn.
8.2 Nhu cầu nhân lực của ngành giao thông vận tải
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, ngành giao thông vận tải càng phát triển và có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo dự báo của Bộ Giao thông vận tải:
- Việt Nam sẽ cần khoảng 200.000 – 300.000 lao động ngành giao thông vận tải mỗi năm;
- Các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, hệ thống đường sắt metro ở TPHCM, Hà Nội đang thu hút một lượng lớn kỹ sư và chuyên gia;
- Ngành Logistics tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, giúp tạo ra hàng nghìn việc làm mới.
Các lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao bao gồm giao thông đường bộ, logistics, hàng không và hàng hải.
8.3 Mức lương ngành giao thông vận tải
Mức lương ngành giao thông vận tải khá hấp dẫn, đặc biệt với những người có kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc thực tế.
Mức lương trung bình ở một số vị trí phổ biến như sau:
Vị trí | Mức lương trung bình (VND/tháng) | Kinh nghiệm yêu cầu |
Kỹ sư thiết kế công trình giao thông | 15 – 25 triệu | 1 – 3 năm |
Quản lý dự án giao thông | 30 – 50 triệu | 3 – 5 năm |
Chuyên viên Logistics | 12 – 20 triệu | 1 – 3 năm |
Kỹ sư công nghệ giao thông thông minh | 20 – 35 triệu | 2 – 4 năm |
Ngành Giao thông vận tải cũng mang tới nhiều cơ hội việc làm tại các nước phát triển như Nhật, Hàn hay Châu Âu với mức thu nhập hấp dẫn từ 2000 – 5.000$/tháng.
8.4 Một số doanh nghiệp, tổ chức lớn trong ngành
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội việc làm tại các công ty lớn trong và ngoài nước như:
- <liTổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV);
- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR);
- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines);
- DHL, FedEx (logistics và vận tải quốc tế);
- Toyota Logistics Services (vận tải ô tô);
- Siemens (hạ tầng giao thông thông minh).
9. Các thách thức và xu hướng phát triển của ngành
Ngành giao thông vận tải đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhờ vào tiến bộ công nghệ và nhu cầu hiện đại hóa hạ tầng.
Tuy vậy, ngành cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đòi hỏi sự đổi mới và thích nghi để phát triển.
Dưới đây là một số thách thức lớn mà ngành giao thông vận tải ở Việt Nam đang phải đối mặt:
Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ
Hệ thống đường bộ, đường sắt, hàng không vàng cảng biển chưa được kết nối chặt chẽ, gây tình trạng ùn tắc kéo dài và chậm trễ trong vận chuyển.
Sự chênh lệch giữa các vùng miền trong phát triển hạ tầng, các tỉnh miền núi còn hạn chế về hệ thống giao thông hiện đại.
Vấn đề ô nhiễm môi trường và giao thông bền vững
Phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các thành phố lớn.
Vẫn còn nhiều dự án giao thông chưa quan tâm đầy đủ đến yếu tố bảo vệ môi trường.
Quản lý giao thông đô thị và ùn tắc
Tình trạng tắc đường tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn là bài toán nan giải, gây ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng cuộc sống và năng suất lao động.
Việc các phương tiện cá nhân phát triển quá nhanh chóng trong khi hạ tầng chưa theo kịp khiến gia tăng áp lực lên giao thông.
Nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Dù có nhiều trường đào tạo về giao thông vận tải, tuy nhiên chất lượng nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Kỹ năng thực hành, ngoại ngữ và khả năng tiếp cận công nghệ mới vẫn còn rất hạn chế.
10. Xu hướng phát triển của ngành giao thông vận tải
Cùng với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu xã hội, ngành giao thông vận tải đang chứng kiến nhiều xu hướng mới giúp nâng cao hiệu quả và hướng tới sự bền vững.
Giao thông thông minh
Giao thông thông minh sử dụng AI, Big Data và IoT để giám sát và điều phối giao thông hiệu quả.
Các thành phố lớn đang triển khai hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc và tối ưu hóa vận hành.
Phương tiện giao thông xanh
Xu hướng phát triển phương tiện chạy bằng năng lượng tái tạo như xe điện, xe buýt điện và các giải pháp năng lượng sạch trong vận tải hàng hải, hàng không.
Chính phủ đã đặt mục tiêu giảm khí thải từ phương tiện giao thông bằng cách khuyến khích người dân sử dụng xe điện.
Các hãng xe như VinFast đang tập trung sản xuất xe điện và xây dựng hệ thống trạm sạc trên toàn quốc.
Phát triển hệ thống logistics thông minh
Tích hợp công nghệ số vào logistics giúp tối ưu hóa quá trình vận chuyển, giảm trừ chi phí và thời gian giao hàng.
Các công nghệ như blockchain được áp dụng vào giúp việc quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả và minh bạch hơn.
Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong vận tải
Các phương tiện tự lái, robot vận chuyển và hệ thống giao thông tự động đang dần trở thành hiện thực.
Các sân bay, cảng biển đang triển khai công nghệ AI giúp tối ưu hóa hoạt động bốc dỡ và vận hành.
Giao thông đa phương thức và phát triển đô thị thông minh
Việc kết nối nhiều phương thức vận tải với nhau giúp giảm tải cho từng phương thức riêng lẻ.
Tích hợp các hệ thống giao thông với quy hoạch đô thị thông minh để đảm bảo sự đồng bộ.
11. Có nên học ngành giao thông vận tải không?
Để giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn, chúng ta hãy cùng tham khảo những điểm dưới đây để đánh giá mức độ phù hợp với bản thân nhé.
Ngành học này sẽ phù hợp với bạn nếu:
- Bạn có đam mê kỹ thuật và quy hoạch hạ tầng, bạn thích khám phá cách xây dựng cầu đường, thiết kế giao thông đô thị và ước muốn cống hiến cho đất nước;
- Bạn thích làm việc thực tế ngoài trời
- Bạn có tư duy logic và khả năng làm việc nhóm, phối hợp tốt với đồng nghiệp, biết cách giải quyết vấn đề một cách khoa học.
- Bạn muốn có một công việc ổn định và phát triển về lâu về dài.
Và nếu bạn vẫn đang phân vân có nên học ngành giao thông vận tải hay không, tôi có một số gợi ý để bạn tự đánh giá:
- Bạn có yêu thích các môn tự nhiên như Toán, Lý không?
- Bạn có đam mê về kỹ thuật và xây dựng không?
- Bạn có thể chịu được áp lực và môi trường làm việc ngoài trời không?
Bạn có thể tham khảo ý kiến từ những anh chị đi trước hoặc tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh để lắng nghe chia sẻ từ giảng viên, từ doanh nghiệp cũng như các cựu sinh viên trong ngành.
Kết lại
Ngành giao thông vận tải là một lĩnh vực then chốt trong sự phát triển của kinh tế, xã hội.
Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và ứng dụng công nghệ hiện đại, ngành học này càng trở nên hấp dẫn đối với những bạn đam mê kỹ thuật và quản lý vận tải.
Việc lựa chọn ngành học này là một quyết định thông minh đối với những ai yêu thích kỹ thuật, mong muốn góp phần vào xây dựng hệ thống giao thông bền vững, hiện đại.
Với sự chuẩn bị tốt, đam mê và kiên trì, bạn hoàn toàn có thể gặt hái thành công trong lĩnh vực này.
Hy vọng bài viết trên của tôi đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về ngành giao thông vận tải.
Hẹn gặp lại bạn ở một bài viết khác.
Chào thân ái và quyết thắng!!
>> Xem thêm: Ngành Logistics là gì? Cơ hội nghề nghiệp và mức lương |