Trường công lập và trường dân lập, hai khái niệm chúng ta đã nghe rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, tuy vậy chưa hẳn bạn đã biết rõ chúng đâu nhé.
Mỗi loại hình đào tạo này đều có ưu điểm và hạn chế riêng của nó, từ chất lượng giáo dục, chi phí cho tới cơ sở vật chất và chương trình đào tạo.
Trong bài viết này, tôi sẽ cho bạn thấy một cái nhìn thật tổng quát về chúng, giúp bạn có thể đưa ra quyết định lựa chọn trường phù hợp nhất.
1. Trường công lập là gì?
Trường công lập là các trường được nhà nước thành lập, do cơ quan trực thuộc nhà nước quản lý và tài trợ ngân sách hoạt động.
Các trường công lập thường sẽ có học phí thấp, phù hợp với đại đa số gia đình người Việt Nam ta bởi đã được nhà nước hỗ trợ ngân sách.
Chương trình học tập tại các trường công lập thường bám sát theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc.
Với những lý do trên, trường công lập chính là lựa chọn phổ biến ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn hiện nay.
2. Trường dân lập là gì?
Trường dân lập (hay trường tư thục) là các trường do cá nhân hoặc tổ chức không phải nhà nước thành lập. Các cá nhân, tổ chức này phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được đầu tư thành lập trường, và họ hoàn toàn tự chủ về tài chính.
Các trường dân lập thường có mức học phí cao hơn bởi hầu hết họ đều đầu tư lớn vào cơ sở vật chất hiện đại, môi trường học tập tiện nghi và có chương trình học đa dạng, linh hoạt.
Các trường dân lập hiện nay thường chú trọng vào đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cao như các chương trình quốc tế, tăng cường kỹ năng thực tế.
Tuy vậy, chương trình đào tạo và tuyển sinh của các trường tư thục vẫn phải dựa trên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cũng bởi vậy, các trường dân lập thường phù hợp với những gia đình có điều kiện về kinh tế và có mong muốn con em mình được trải nghiệm môi trường giáo dục đặc biệt.
3. So sánh trường công lập và dân lập
Dù là trường công lập hay trường dân lập thì vẫn đều thuộc hệ thống giáo dục chung của nhà nước.
Dù khác về loại hình đào tạo nhưng cả công lập và dân lập đều hướng tới việc cung cấp kiến thức và phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.
Và bạn biết không, từ mầm non cho tới đại học, đều tồn tại loại hình trường công lập và dân lập.
Điểm khác biệt giữa trường công lập và dân lập:
Tiêu chí | Trường công lập | Trường dân lập |
Quản lý và tài chính | Nhà nước thành lập và hỗ trợ ngân sách | Do các cá nhân, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập |
Học phí | Thấp, phù hợp với đa số gia đình | Cao, thường là gia đình có điều kiện |
Cơ sở vật chất | Đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu, cơ bản | Thường hiện đại, tiện nghi |
Chương trình học | Theo chuẩn của Bộ GD&ĐT | Có thể tích hợp, đổi mới sáng tạo |
Đội ngũ giáo viên | Phần lớn là công chức, viên chức nhà nước | Thường tuyển chọn linh hoạt |
Những tiêu chí trên trước đây thì có vẻ đúng, nhưng đến hiện tại, mình cảm thấy cũng có một số thay đổi.
Ví dụ như, nhiều trường công lập giờ đã được nhà nước giao cho tự chủ tài chính, vậy nên học phí cũng không rẻ như trước đây nữa. Bên cạnh đó, học phí tăng kéo theo cơ sở vật chất của nhà trường cũng được hiện đại và tiện nghi hơn rất nhiều.
Việc lựa chọn giữa trường công lập và dân lập không đơn thuần là cân nhắc về học phí hay cơ sở vật chất mà còn là quyết định dựa trên kỳ vọng của mỗi người.
Theo tôi, mỗi loại hình đều có những giá trị riêng, và trên hết, trường là nơi mang đến nền tảng tri thức cho tất cả chúng ta.
Dù lựa chọn ra sao, quan trọng nhất chính là sự tự học của cá nhân bạn, môi trường học tập và thầy cô giảng dạy cũng chỉ là một phần thôi.
Hãy định hướng đúng đắn, bạn nhé!
Chào thân ái và quyết thắng!!