Học giỏi không chỉ đơn thuần là đạt điểm số cao, mà còn là khả năng hiểu sâu, nhớ lâu và vận dụng kiến thức một cách linh hoạt vào thực tế.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ những ai có trí thông minh bẩm sinh mới có thể học giỏi, nhưng sự thật không phải như vậy. Để học giỏi thật sự, phương pháp học tập, tư duy đúng đắn và kỷ luật mới là những yếu tố quyết định.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá những chiến lược giúp bạn học thông minh hơn, nâng cao khả năng ghi nhớ cũng như rèn luyện tư duy và duy trì động lực học tập để việc học trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
1️⃣ Tư duy quyết định kết quả – học giỏi không phải do may mắn
Nhiều người thường cho rằng ai học giỏi là do họ thông minh sẵn, đúng nhưng chưa đủ. Thực tế chỉ ra rằng, tư duy và cách tiếp cận quan trọng hơn thông minh nhiều.
Dưới đây là hai tư duy bạn cần có để học tập một cách hiệu quả.

Thứ nhất, “Học là một quá trình, không phải là một cuộc đua”
Học tập không phải là chuyện “học ngày học đêm” rồi mong nhớ mãi. Học giỏi là cả một quá trình tích lũy.
Nếu bạn liên tục nhồi nhét mà không hiểu rõ bản chất, sớm muộn gì cũng quên sạch. Hãy tập trung vào chất lượng hơn là số lượng.
Đừng ép bản thân học quá nhiều trong một lần, học ít nhưng hiểu sâu mới giúp bạn nhớ lâu được.
Đừng so sánh mình với người khác, mỗi người có một tốc độ học riêng, tiến bộ từng ngày mới là quan trọng.
Thứ hai, “Tư duy phát triển, bạn sẽ giỏi hơn nếu chịu rèn luyện”
Nếu bạn từng nghĩ “Mình dốt toán từ bé rồi, không bao giờ khá lên được đâu” thì hãy dừng ngay suy nghĩ đó lại.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, não bộ có thể phát triển nếu bạn rèn luyện đúng cách.
Hãy tin rằng, học giỏi không phải do bẩm sinh mà do nỗ lực và có phương pháp học tập đúng đắn.
Mỗi lần bạn thử thách bản thân, bạn đã giúp não bộ trở nên mạnh mẽ hơn, và sai lầm không phải là thất bại, mà là cơ hội để học hỏi và cải thiện tốt hơn.
📌 Mẹo nhỏ:
- Mỗi khi gặp bài khó, đừng vội bỏ cuộc, hãy thử tìm cách tiếp cận khác hoặc hỏi người có kinh nghiệm hơn.
- Hãy ghi lại những gì mình chưa hiểu để tìm lời giải thích sau nhé.
2️⃣ Xây dựng thói quen học tập một cách khoa học
Một trong những điều sẽ giúp bạn học giỏi lên không phải là học thật nhiều mà là học đúng cách.
Việc tạo thói quen học tập khoa học giúp bạn tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, nhớ lâu hơn và không cảm thấy quá tải.
Học đúng giờ, đúng nơi, đừng học “tùy hứng”
Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng:
- Ngồi vào bàn học nhưng 5 phút sau lại lướt điện thoại?
- Học ở giường rồi ngủ quên lúc nào không hay?
- Chỉ học khi sắp đến ngày thi?
Nếu có thì bạn đang học sai cách rồi đấy.
Hãy áp dụng ngay những giải pháp dưới đây:
- Xác định một khung giờ học cố định mỗi ngày để não bộ quen với việc tiếp nhận kiến thức vào thời điểm đó.
- Chọn một nơi học cố định, tránh học trên giường hoặc những nơi quá ồn ào, tốt nhất là một góc học tập gọn gàng, thoáng đãng, có đủ ánh sáng.
- Sử dụng đồng hồ Pomodoro: Học 25-30 phút rồi nghỉ 5 phút sẽ giúp não bộ không bị quá tải.
📌 Mẹo nhỏ: Nếu không thể giữ được sự tập trung, bạn hãy thử bật một bài nhạc không lời hoặc tiếng mưa nhẹ nhàng lên để giảm tiếng ồn xung quanh thử xem nhé.

Ghi chép đúng cách, đừng chép y nguyên sách giáo khoa
Có phải bạn đã từng ghi chép kín cả trang vở nhưng khi ôn lại vẫn không hiểu gì không?
Nếu có thì vấn đề không phải vì bạn ghi ít, mà vì bạn chưa biết cách ghi chép sao cho hiệu quả thôi.
Cách ghi chép thông minh:
- Sử dụng phương pháp Cornell: Chia trang vở thành 3 phần: ghi chú chính, từ khóa quan trọng và phần tổng kết.
- Sử dụng sơ đồ tư duy (mindmap): Thay vì viết từng dòng, hãy vẽ sơ đồ để liên kết kiến thức một cách dễ dàng.
- Ghi chép lại bằng ngôn ngữ của mình: Đừng sao chép nguyên văn sách giáo khoa, hãy diễn đạt lại theo cách bạn hiểu.
📌 Mẹo nhỏ: Nếu có thể, hãy sử dụng bút màu để tô điểm nổi bật những thông tin quan trọng nhé.

Học chủ động, không chỉ đọc mà phải ứng dụng
Đọc đi đọc lại một bài học không hẳn sẽ giúp bạn nhớ nó lâu hơn, cách tốt nhất để học chính là biến kiến thức thành hành động.
Một số cách học chủ động giúp bạn nhớ lâu hơn:
- Giảng lại cho người khác: Khi bạn có thể giải thích một bài học cho bạn bè, có nghĩa là bạn đã thực sự hiểu về nó.
- Làm bài tập và thực hành: Đọc lý thuyết mà không làm bài tập giống như học bơi mà không xuống nước vậy. Bạn hãy chủ động tìm kiếm các dạng bài tập để áp dụng vào lý thuyết.
- Học theo kiểu “thử thách bản thân”: Đặt câu hỏi “tại sao” hay “nếu thế này thì sao”, “có cách nào khác không” để đào sâu về kiến thức.
📌 Mẹo nhỏ: Nếu Không có ai để giảng bài, bạn hãy tự đọc thành tiếng hoặc ghi âm rồi nghe lại để kiểm tra xem mình đã hiểu đúng chưa.

3️⃣ Lựa chọn phương pháp học tập phù hợp
Việc học đúng cách sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn. Một trong những sai lầm lớn nhất khi học chính là chỉ học theo bản năng mà không có phương pháp rõ ràng.
Việc tìm ra cách học phù hợp với bản thân sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiếp thu kiến thức nhanh hơn và ghi nhớ lâu hơn.
Dưới đây là những phương pháp học tập hiệu quả mà ai cũng có thể áp dụng:
Phương pháp Feynman – Hiểu sâu bằng cách giải thích đơn giản
Bạn có thực sự hiểu bài không? Cách kiểm tra đơn giản nhất chính là thử giải thích lại cho một đứa trẻ 6 tuổi.
Cách áp dụng phương pháp Feynman:
- Chọn một khái niệm cần học (ví dụ Định lý Pytago trong Toán)
- Giải thích lại bằng một cách đơn giản như thể bạn đang giảng cho một người hoàn toàn không biết gì về chủ đề này.
- Nếu gặp chỗ khó hiểu, hãy quay lại sách vở và cố gắng diễn đạt lại theo một cách dễ hiểu nhất.
- Lặp lại quá trình này cho đến khi bạn có thể giải thích trôi chảy mà không cần nhìn vào tài liệu.
Sơ đồ tư duy (Mind Map) – kết nối kiến thức một cách trực quan
Nếu bạn cảm thấy kiến thức trong sách giáo khoa khó nhớ, rời rạc thì sơ đồ tư duy chính là cách giúp bạn tổ chức lại thông tin một cách logic và dễ hiểu hơn.
Cách vẽ sơ đồ tư duy hiệu quả:
- Bắt đầu với một ý chính ở giữa trang giấy (Ví dụ: Hệ tuần hoàn)
- Vẽ các nhánh con liên kết với chủ đề chính, mỗi nhánh đại diện cho một ý lớn.
- Dùng màu sắc, hình ảnh, ký hiệu để làm nổi bật thông tin quan trọng.
- Khi ôn tập, bạn chỉ cần nhìn sơ đồ tư duy thay vì đọc lại nguyên cả quyển sách.
📌 Mẹo nhỏ: Nếu không thích vẽ tay, bạn có thể sử dụng các ứng dụng như XMind, MindMeister để tạo sơ đồ tư duy trên điện thoại hoặc máy tính.

Phương pháp Spaced Repetition – Lặp lại ngắt quãng để nhớ lâu hơn
Bạn có bao giờ học thuộc lòng cả bài nhưng chỉ sau một tuần đã quên sạch rồi không? Điều này là do não bộ sẽ quên dần thông tin nếu không được ôn lại đúng cách.
Phương pháp Lặp lại ngắt quãng sẽ giúp bạn ghi nhớ thông tin lâu dài mà không cần học đi học lại quá nhiều lần.
Cách áp dụng:
- Học bài mới lần đầu
- Ôn lại sau 1 ngày
- Ôn lại sau 1 tuần
- Ôn lại sau 1 tháng
📌 Mẹo nhỏ: Bạn có thể sử dụng các ứng dụng quản lý thời gian ôn tập tự động như Anki, Quizlet để học theo phương pháp này.
Phương pháp học chủ động, không chỉ đọc mà còn phải ứng dụng
Nếu bạn chỉ đọc và cố gắng nhớ kiến thức, khả năng quên đi sẽ rất cao. Cách tốt nhất để học là chủ động tham gia vào quá trình học tập bằng các hoạt động như:
- Làm bài tập thực hành thay vì chỉ đọc lý thuyết
- Thảo luận với bạn bè hoặc tham gia các nhóm học để hiểu sâu hơn
- Tự tạo những câu hỏi trắc nghiệm cho chính mình để kiểm tra kiến thức.
📌 Mẹo nhỏ: Hãy thử biến bài học thành một câu chuyện hoặc tình huống thực tế, bạn sẽ thấy dễ nhớ hơn nhiều đấy.
4️⃣ Cách tăng khả năng ghi nhớ và hiểu sâu kiến thức
Học giỏi không chỉ là hiểu bài khi trên lớp mà còn phải ghi nhớ lâu dài và có thể ứng dụng linh hoạt trong thực tế.
Dưới đây là những cách có thể giúp bạn cải thiện trí nhớ và nắm vững kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Lặp lại thông tin đúng cách, đừng học thuộc lòng một cách thụ động
Bạn có bao giờ gặp tình huống này chưa? Học trước quên sau, càng học càng rối. Nguyên nhân chính là do bạn chưa áp dụng kỹ thuật lắp lại đúng cách.
Cách ghi nhớ hiệu quả:
- Học theo chu kỳ lặp lại ngắt quãng: Như đã đề cập ở phần trên, lặp lại thông tin vào các khoảng thời gian nhất định sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn.
- Học qua nhiều cách khác nhau như đọc sách, xem video, làm bài tập và giảng lại cho người khác. Việc thay đổi phương pháp giúp não bộ liên kết thông tin tốt hơn.
- Sử dụng Flashcard: Tạo thẻ ghi nhớ với câu hỏi ở một mặt và câu trả lời ở mặt còn lại, sau đó tự kiểm tra lại.
📌 Mẹo nhỏ: Nếu cần học thuộc nhiều thông tin, hãy đọc thật to hoặc viết tay ra giấy thay vì chỉ nhìn vào sách.
Kết nối kiến thức mới với kiến thức cũ, học không còn cảm thấy “lạc lõng”
Một trong những cách giúp bạn hiểu sâu kiến thức hơn chính là kết nối kiến thức mới với những gì bạn đã biết.
Cách áp dụng như sau:
- Khi học một khái niệm mới, hãy tự hỏi “Nó giống hay liên quan đến những kiến thức nào mà mình đã biết trước đó?”. Ví dụ, khi học về quang hợp, bạn có thể liên hệ với hệ tuần hoàn ở con người bởi cả hai đều có liên quan đến việc chuyển đổi năng lượng.
- Việc so sánh và liên kết thông tin giúp não bộ hình thành mạng lưới kiến thức, khiến bạn dễ nhớ hơn.
📌 Mẹo nhỏ: Nếu có thể, hãy vẽ sơ đồ hoặc biểu đồ so sánh để trực quan hóa sự liên kết giữa các khái niệm với nhau.
Học qua hình ảnh, âm thanh và câu chuyện giúp não bộ ghi nhớ tự nhiên
Bạn có từng nhận thấy rằng mình dễ nhớ lời bài hát hơn là công thức toán không? Đó là do não bộ xử lý hình ảnh và âm thanh tốt hơn so với chữ viết đơn thuần.
Cách học hiệu quả hơn thông qua hình ảnh và âm thanh:
- Chuyển thông tin khô khan thành hình ảnh: Nếu phải nhớ nhiều dữ kiện lịch sử, hãy vẽ tranh minh họa hoặc sơ đồ thời gian.
- Dùng video và podcast để học: Nghe bài giảng hoặc xem video sinh động giúp bạn dễ tiếp thu hơn.
- Sử dụng phương pháp “Lưu trữ trí nhớ theo địa điểm”: Liên kết kiến thức với một hình ảnh hoặc địa điểm quen thuộc để dễ nhớ hơn.
📌 Mẹo nhỏ: Nếu có thể, hãy sáng tạo ra câu chuyện hài hước liên quan đến bài học, cách này có thể giúp bạn nhớ lâu hơn một cách tự nhiên.
Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi đúng cách, đừng bỏ qua sức mạnh của giấc ngủ
Bạn có biết rằng giấc ngủ cũng giúp chúng ta củng cố trí nhớ?
Nếu bạn học quá nhiều nhưng không ngủ đủ, não bộ sẽ không thể lưu trữ thông tin hiệu quả.
Những điều bạn cần làm để tối ưu hóa trí nhớ:
- Ngủ ít nhất 6-8 tiếng mỗi đêm, đặc biệt là trước các kỳ thi quan trọng;
- Tránh học ngay trước khi đi ngủ, thay vào đó hãy thư giãn nhẹ nhàng để não bộ xử lý thông tin tốt hơn;
- Ngủ trưa khoảng 10-20 phút cũng giúp cải thiện trí nhớ và sự tập trung hơn.
📌 Mẹo nhỏ: Trước khi ngủ khoảng 30 phút, hãy ôn lại những nội dung quan trọng. Theo nghiên cứu cho thấy, não bộ sẽ ghi nhớ những nội dung này tốt hơn vào ngày hôm sau.
5️⃣ Tạo động lực và duy trì kỷ luật học tập
Bạn đã bao giờ đặt quyết tâm học tập chăm chỉ, vậy nhưng chỉ vài ngày sau đã quay về thói quen cũ chưa?
Nếu có thì bạn không hề cô đơn! Không phải ai cũng có động lực học liên tục, nhưng kỷ luật và cách duy trì cảm hứng mới là yếu tố giúp bạn học giỏi được.
Xác định động lực học tập, vì sao bạn muốn học giỏi?
Nếu bạn học chỉ vì bị ép buộc thì chắc chắn sẽ cảm thấy việc học thật mệt mỏi. Nhưng nếu bạn có một lý do đủ lớn, bạn sẽ dễ dàng vượt qua những lúc lười biếng và chán nản.

Hãy tự hỏi bản thân:
- Học giỏi giúp bạn đạt được điều gì? Có phải là để vào một trường đại học tốt? Hay để tương lai có một công việc ổn định? Hay để theo đuổi đam mê?…
- Nếu không học giỏi, trong tương lai có thể bạn sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì?
- Bạn muốn chứng minh điều gì cho chính bản thân hay với người khác?
📌 Mẹo nhỏ: Hãy viết ra giấy “Lý do tôi cần học giỏi” và dán ở bàn học, khi nào cảm thấy mất động lực, hãy đọc lại nó!
Biến việc học thành thói quen, quan trọng là học đều
Nếu bạn phải ép mình ngồi vào bàn học mỗi ngày, nghĩa là bạn chưa tạo được thói quen học tập. Một khi việc học đã là thói quen, bạn sẽ học một cách tự nhiên, không gượng ép bản thân.

Cách để xây dựng thói quen học tập:
- Bắt đầu từ những bước nhỏ như học 15-20 phút mỗi ngày rồi tăng dần lên, không tham học quá nhiều ngay từ đầu.;
- Áp dụng phương pháp “Habit Stacking” bằng cách gắn việc học với một thói quen có sẵn như “sau khi đánh răng buổi tối, mình sẽ ngồi vào bàn học 30 phút”.
- Giữ bàn học gọn gàng, tránh xa điện thoại hoặc những thứ dễ xao nhãng.
📌 Mẹo nhỏ: Nếu cảm thấy khó tập trung quá, hãy đếm ngược từ 5 đến 1, sau đó bắt đầu ngay lập tức. Đây là kỹ thuật 5 giây của Mel Robbins giúp bạn hành động ngay thay vì trì hoãn.
Học có kế hoạch, quản lý thời gian để tránh quá tải
Nước đến chân mới nhảy có lẽ là tình trạng của không ít người, trong đó có bạn. Hãy lên kế hoạch học tập hiệu quả bằng cách:
- Lập danh sách các môn học và nội dung cần học trong tuần hoặc tháng;
- Sử dụng ma trận Eisenhower để phân loại việc nào quan trọng và cấp bách.
- Ghi chép lại những gì đã học mỗi ngày để không bị quên kiến thức.
📌 Mẹo nhỏ: Sử dụng các ứng dụng như Notion, Google Keep hoặc Ticktick để quản lý thời gian học tập một cách khoa học.
Làm sao để không bị mất động lực giữa chừng?
Dù kế hoạch của bạn có tốt đến đâu, vẫn sẽ có những lúc cảm thấy lười biếng, chán học. Đừng lo, ai cũng từng trải qua việc đó.
Cách giữ vững động lực học tập:
- Đổi mới cách học như thông qua video, podcast hoặc thử nghiệm một phương pháp học khác;
- Sau khi hoàn thành mục tiêu học tập, hãy tự thưởng cho bản thân một tập phim yêu thích hoặc hoặc một món ăn ngon.
- Học nhóm hoặc tìm một người cùng học vì khi có bạn đồng hành, bạn sẽ có trách nhiệm hơn, bớt cảm thấy cô đơn và có động lực học hơn.
📌 Mẹo nhỏ: Nếu thấy bản thân hay trì hoãn, hãy đặt ra một mục tiêu nhỏ như “mình sẽ học đúng 5 phút thôi”. Sau khi bắt đầu, bạn sẽ có động lực để tiếp tục lâu hơn.

Và trong bài viết 9 cách để tạo động lực học tập, tôi đã chia sẻ đầy đủ những cách để tìm lại động lực học tập cũng như làm sao để duy trì nó lâu nhất có thể.
6️⃣ Cách xử lý đối với những môn học khó
Ai cũng có một hoặc vài môn học “ác mộng” như Toán quá rối, Hóa quá nhiều công thức, Văn thì dài lê thê.
Nhưng thay vì chán nản và bỏ cuộc, bạn hãy thử những chiến lược dưới đây để chinh phục những môn học khó nhằn này.
Đừng nóng! Hãy học từng bước nhỏ một
Nhiều bạn mất tự tin vì thấy môn học quá khó, nhưng thực ra bạn đâu cần giỏi ngay lập tức? Chỉ cần bắt đầu từ những bước nhỏ và tiến bộ từng ngày.
Cách tiếp cận thông minh:
- Chia nhỏ bài học, đừng cố học cả chương dài, hãy bắt đầu từ những phần đơn giản nhất.
- Tập trung vào nền tảng trước, nếu bạn mất gốc, hãy học lại từ những kiến thức cơ bản.
- Dùng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa như vẽ ra các khái niệm quan trọng để dễ nắm bắt hơn.
📌 Mẹo nhỏ: Hãy tự đặt câu hỏi “nếu chỉ học 3 ý quan trọng nhất trong bài viết, chúng sẽ là gì?” Điều này sẽ giúp bạn tránh bị “ngập lụt” trong quá nhiều kiến thức.
Thử một cách học khác, đừng cố gắng làm mãi một cách không hiệu quả
Nếu bạn đọc sách mãi mà chẳng hiểu thì có thể phương pháp học này của bạn chưa thực sự phù hợp.
Bạn có thể thử qua những cách học khác nhau dưới đây:
- Xem video giảng bài trên youtube hay các khóa học online
- Tự giảng lại cho mình hoặc bạn bè nghe, khi bạn có thể giải thích, nghĩa là bạn đã hiểu rồi.
- Dùng ví dụ thực tế để minh họa, ví dụ như học toán xác suất, hãy thử liên hệ tới điều gì đó trong cuộc sống hàng ngày.
📌 Mẹo nhỏ: Nếu có một chủ đề khó hiểu, hãy thử tìm nhiều tài liệu khác nhau để xem cách tiếp cận của từng tài liệu. Có thể một cách diễn giải khác sẽ giúp bạn “vỡ lẽ” ra thì sao?
Nhờ sự giúp đỡ khi cần, đừng cố gắng một mình
Đừng ngại hỏi! Bạn không cần phải tự mình giải quyết mọi bài tập hóc búa đâu!
Hãy tìm sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè giỏi hơn bởi một câu hỏi đúng có thể giúp bạn tiết kiệm hàng giờ đồng hồ tự tìm hiểu.
Hãy tham gia các nhóm học tập hoặc diễn đàn học thuật, rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ nếu bạn hỏi đúng cách đấy.
Bạn có thể sử dụng các ứng dụng hỗ trợ bài tập như Photomath (Toán), Socratic (tất cả), Chegg để tìm hướng giải quyết nhanh hơn.
📌 Mẹo nhỏ: Khi nhờ người khác giúp đỡ, đừng chỉ hỏi “Bài này giải ra sao?”. Hãy thử hỏi “Mình làm đến đây nhưng không hiểu chỗ này, cậu/bạn có thể giải thích giúp mình không?”. Như vậy, bạn sẽ học được nhiều hơn thay vì chỉ nhận được đáp áp.
Kiên nhẫn và không bỏ cuộc, mọi môn học đều có lối thoát
Hãy nhớ rằng, không có môn học nào là không thể học được, người ta thiết kế ra môn học không phải để làm khó bạn, chỉ là bạn cần tìm ra cách học phù hợp nhất mà thôi.
Nếu thấy quá tải, hãy nghỉ ngơi 5-10 phút rồi sau đó quay lại học với một tinh thần thoải mái nhất.
7️⃣ Lời kết
Học giỏi không phải là một khả năng bẩm sinh mà là kết quả của quá trình rèn luyện đúng cách. Nếu bạn biết cách tư duy đúng, sử dụng phương pháp học tập khoa học và duy trì tính kỷ luật, chắc chắn bạn sẽ cải thiện đáng kể khả năng cũng như kết quả học tập của mình.
Lời khuyên cuối cùng của tôi, học tập không phải là cuộc chạy nước rút mà là một hành trình dài. Bạn không cần phải học giỏi ngay lập tức, hãy cố gắng từng ngày, bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt.
Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay với từng bước nhỏ, có thể là lập kế hoạch học tập, thử một phương pháp học mới hay chỉ đơn giản là ngồi vào bàn học với một tinh thần sẵn sàng.
Bạn chắc chắn sẽ giỏi hơn mỗi ngày, miễn là bạn quyết tâm hành động!
Giờ thì xin chào thân ái và quyết thắng!!