Đã bao giờ bạn rơi vào tình trạng ngồi cả tiếng đồng hồ trước bàn học mà chẳng làm được gì ra hồn chưa?
Hay bạn đã từng tự hỏi, tại sao nhiều người xung quanh bạn có thể đạt được những thành tích xuất sắc, trong khi bản thân mình lúc nào cũng chật vật?
Bạn không cô đơn đâu mà có hàng ngàn, hàng vạn người ngoài kia cũng có thể đã trải qua cảm giác giống bạn.
Đừng lo lắng, trong bài viết dưới đây tôi đã chia sẻ đầy đủ về tầm quan trọng của động lực cũng như cách để bạn có thể “tóm cổ” động lực và giữ nó lại bên mình.
1. Tầm quan trọng của động lực học tập
Mất động lực học tập là một vấn đề mà hầu hết học sinh, sinh viên, thậm chí là những người đã đi làm đều từng trải qua.
Động lực học tập là một chiếc chìa khóa giúp bạn mở ra cánh cửa dẫn tới thành công.
Nó không chỉ thúc đẩy bạn hoàn thành những công việc trước mắt, mà còn “buff” cho bạn sức mạnh bền bỉ để vượt qua những thử thách cam go nhất trên hành trình chinh phục tri thức.
Bạn thử tưởng tượng xem, nếu việc học là một hành trình dài đầy gian nan thì động lực có phải là “nhiên liệu” giúp bạn tiếp bước, bất chấp con đường học tập đôi khi gồ ghề mà đầy chông gai không?
Điều này không chỉ ảnh hưởng tới thành tích học tập, mà còn tác động đến sự phát triển bản thân và cơ hội của bạn trong xã hội ở tương lai.
Vậy làm sao để tìm thấy nguồn động lực đó đây? Câu trả lời sẽ nằm ngay trong bài viết này.
Hãy cùng tôi khám phá những bí quyết giúp bạn lấy lại động lực học tập để không chỉ học tốt hơn mà còn làm chủ quỹ thời gian của cuộc đời bạn.
2. Động lực học tập là gì?
Để bắt đầu tìm lại động lực học tập, trước hết bạn cần hiểu rõ động lực học tập thực sự là gì.
Nó không chỉ là cảm giác hứng thú nhất thời, khi bạn đọc được một câu trích dẫn hay hoặc xem một video truyền cảm hứng, mà nó là nguồn năng lượng nội tại thúc đẩy bạn hành động và kiên trì trong học tập.
Ở đây, tôi tạm thời chia động lực học tập thành 2 loại như sau:
Động lực nội tại
Đây là dạng động lực xuất phát từ chính bạn, từ niềm đam mê, sự tò mò và mong muốn được khám phá tri thức.
Ví dụ, bạn muốn học một môn vì yêu thích môn đó, muốn tìm hiểu sâu hơn hoặc bạn cảm thấy hào hứng khi giải quyết được một vấn đề khó.
Và một ví dụ thực tế hơn, một cậu bé yêu thích máy tính và lập trình, hàng ngày chẳng cần ai thúc ép, cậu ta vẫn tự tìm tòi cách viết code.
Động lực từ bên ngoài
Đây là động lực được thúc đẩy từ các yếu tố bên ngoài, ví dụ như từ phần thưởng, sự công nhận, hoặc thậm chí là áp lực từ kỳ thi, từ cha mẹ hoặc xã hội ngoài kia.
Các động lực từ bên ngoài thường mang tính tạm thời và dễ mất đi khi các yếu tố bên ngoài không còn nữa.
Một ví dụ thực tế: Sếp vừa bank 500k để tôi có động lực viết bài tốt hơn!
Tôi đùa đấy!
Ví dụ như sinh viên học tập chăm chỉ để đạt được học bổng chẳng hạn.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, để có thể đạt được hiệu quả cao nhất, bạn cần sự kết hợp giữa cả động lực nội tại và động lực từ bên ngoài.
Bởi vì, động lực nội tại sẽ giúp bạn duy trì niềm đam mê lâu dài, trong khi đó động lực từ bên ngoài chính là chất xúc tác mạnh mẽ trong những thời điểm bạn cảm thấy mệt mỏi hay mất phương hướng.
Được rồi, sau khi đã hiểu rõ về động lực học tập, bạn sẽ không chỉ biết được mình cần làm gì để duy trì nó mà còn bớt cảm thấy tội lỗi mỗi khi làm mất nó.
3. Những lý do khiến bạn mất động lực học tập
Mất động lực học tập là một vấn đề mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Để giải quyết dứt điểm, trước hết chúng ta cần xác định nguyên nhân.
Dưới đây chính là những lý do chính:
Thứ nhất, không có mục tiêu rõ ràng
Khi bạn không biết mình học để làm gì, bạn sẽ rất nhanh thấy chán. Mục tiêu như “học để sau này tốt hơn” hay “học để bố mẹ vui” là quá mơ hồ và không thiết thực.
Thứ hai, bạn phải chịu áp lực từ khối lượng bài vở
Việc phải đối mặt với lượng kiến thức khổng lồ có thể khiến bạn bị choáng và bốc hơi động lực của bạn.
Việc này rất dễ khiến bạn rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, khiến bạn ngày càng mệt mỏi và căng thẳng hơn.
Thứ ba, bạn cảm thấy mình là kẻ thất bại
Khi phải trải qua những lần không đạt được kết quả như mong muốn rất dễ khiến bạn nghi ngờ năng lực của bản thân.
Có phải bạn đã từng nhiều lần tự hỏi “Mình chỉ đến vậy thôi ư?” hay “Mình có làm được không?”.
Những câu hỏi này chính là những xiềng xích đã kìm hãm và đập tan nát sự tự tin của bản thân bạn
Thứ tư, bạn không nhận được sự công nhận hoặc động viên
Việc không nhận được những lời khen hay sự hỗ trợ từ gia đình, người thân, bạn bè và thầy cô có thể sẽ khiến bạn dần cảm thấy việc học thật là vô nghĩa.
Nhưng đừng vội lo lắng, tôi muốn nói với bạn rằng những vấn đề trên hoàn toàn có thể khắc phục được.
Vậy việc mất động lực học tập có hậu quả như thế nào?
- Giảm hiệu quả học tập
- Suy giảm sức khỏe tinh thần
- Lãng phí thời gian và dễ để cơ hội vụt bay
4. Tôi mách bạn 9 cách tạo ra và duy trì động lực học tập
Theo định luật bảo toàn năng lượng, năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi…
Và động lực học tập cũng thế, nó cần được bạn tạo ra và nuôi dưỡng hàng ngày.
Dưới đây, tôi muốn gửi tới bạn 9 cách cụ thể kèm hướng dẫn chi tiết để hỗ trợ bạn khơi dậy và duy trì động lực học tập lâu dài.
01. Đặt mục tiêu SMART
Tại sao điều này quan trọng?
Một mục tiêu cụ thể, rõ ràng chắc chắn sẽ giúp bạn tập trung hơn và có cảm giác đạt được thành tựu khi hoàn thành.
Dưới đây tôi lấy ví dụ về đặt mục tiêu học tiếng Anh:
- S – Specific (Cụ thể): Học thuộc 30 từ vựng tiếng Anh về công việc
- M – Measurable (Đo lường): Hãy đánh giá bằng cách làm một bài kiểm tra nhỏ vào cuối ngày.
- A – Achievable (Khả thi): Không đặt mục tiêu quá cao như kiểu trở thành siêu nhân tiếng Anh trong 1 tuần.
- R – Relevant (Liên quan): Chọn nội dung học phục vụ cho các mục tiêu lớn, ví dụ như thi IELTS.
- T – Time-bound (Có thời hạn): Hoàn thành trong 7 ngày.
Và trong một bài viết mang tên Goals? Who? Why? How? của Đại học Stanford có đề cập tới tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu, tôi đã trích dẫn nguồn để bạn có thể xem nó bằng tiếng Anh.
02. Tạo thói quen học tập hàng ngày
Thói quen sẽ tạo nên sự nhất quán, giúp bạn bớt cái tính trì hoãn đi.
Hãy thiết lập khung giờ học cố định vào mỗi ngày, ví dụ như từ 7h tới 9h tối chẳng hạn.
Hãy bắt đầu với những nhiệm vụ nhỏ thôi, dễ hoàn thành một chút để lấy một chút hứng khởi đã, ví dụ như “giải 3 bài toán trong 30 phút”.
Hãy sử dụng phương pháp Pomodoro (25 phút học, 5 phút nghỉ) để giữ được sự tập trung.
03. Biến việc học trở thành một điều gì đó thú vị
Khi bạn cảm thấy thú vị, bạn sẽ dễ duy trì động lực hơn.
Hãy sử dụng các ứng dụng như Duolingo, Quizlet hay Kahoot và tạo một bảng điểm thưởng cá nhân mỗi khi hoàn thành một bài học và tặng bản thân một điểm.
04. Một phần thưởng nhỏ sau mỗi lần đạt được mục tiêu đặt ra
Việc được thưởng sẽ kích thích não bộ tiết ra dopamine, một chút hóa học giúp bạn cảm thấy hứng thú hơn và hạnh phúc hơn.
Sau khi làm xong bài tập, bạn có thể cho phép bản thân xem một tập phim yêu thích hoặc một video ngắn nào đó.
Bạn cũng có thể dành thời gian cuối tuần để đi chơi hoặc tự thưởng cho mình một món ăn ngon khi đạt được một mục tiêu lớn.
05. Tìm nguồn cảm hứng từ những người thành công
Những câu chuyện thành công truyền cảm hứng mạnh mẽ giúp bạn nhìn thấy được tiềm năng của bản thân.
Và hai việc tôi nghĩ bạn nên làm bao gồm đọc sách hoặc xem video chia sẻ kinh nghiệm học tập từ những người mà bạn ngưỡng mộ.
06. Học nhóm
Học nhóm vốn đã có từ rất lâu, và việc này không chỉ giúp bạn học hiệu quả hơn mà còn tạo động lực thông qua sự cạnh tranh lành mạnh.
Hãy tham gia vào các nhóm học trên mạng xã hội hoặc tham gia câu lạc bộ tại trường.
07. Hãy chăm sóc tốt sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn
Có một tinh thần tốt và cơ thể khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết giúp bạn duy trì sự tập trung và có năng lượng để học tập.
Hãy đi ngủ sớm và ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày.
Hãy tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ 30 phút mỗi ngày hoặc nhảy dây, chạy bộ.
Đừng ăn hay uống quá nhiều đồ ngọt, thay vào đó hãy ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước lọc.
Tôi nghĩ rằng những lời khuyên ở trên của tôi đầy rẫy trên mạng xã hội, nhưng tôi vẫn muốn nhắc nhở bạn, bởi vì nó không hề thừa đâu.
08. Thay đổi không gian học tập
Một không gian mới mẻ có thể sẽ kích thích sự sáng tạo và giảm sự nhàm chán đấy.
Bạn có thể thay đổi không gian học tập theo 2 cách.
Một là di chuyển tới thư viện, quán cà phê hoặc một không gian yên tĩnh nào đó để học.
Hai là kê lại bàn học, thay đổi không gian phòng, thêm cây xanh, bla bla các thứ, sao cho nhìn mới mẻ tí là được.
09. Tự đánh giá sự tiến bộ của mình
Khi bạn thấy bản thân đang tiến bộ từng ngày, hẳn bạn sẽ có thêm động lực để duy trì nó phải không nào?
Hãy ghi lại những thành tựu nhỏ vào một cuốn sổ hoặc một app ghi chú nào đó.
Hãy tự hỏi rằng: “Tuần này mình đã đạt được những gì?”, nếu có gì đó khiến bạn chưa hài lòng, hãy lên kế hoạch và cải thiện nó vào tuần kế tiếp nhé.
Tóm cái váy lại, động lực không phải là phép màu đùng cái có liền, mà nó tới từ những thay đổi mỗi ngày, từ những việc nhỏ nhất.
Bằng cách áp dụng các phương pháp tôi vừa đưa ra ở trên, bạn sẽ không chỉ cảm thấy hứng thú học hơn mà còn có thể đạt được những thành tích đáng tự hào.
5. Những điều bạn nên tránh để không mất đi động lực
Khi đã có được động lực rồi, bạn cần cẩn thận để không đánh mất nó.
Dưới đây là những sai lầm phổ biến có thể khiến động lực học tập của bạn “bốc hơi” trong phút mốt:
So sánh bản thân với người khác
Việc so sánh này vô cùng tiêu cực, có thể khiến bạn mất hết sự tự tin và cảm thấy mình là một kẻ “loser”, dù cho sự thực có thể không như vậy.
Nghe tôi nói này, mỗi người là một cá thể hoàn toàn riêng biệt và mọi sự so sánh đều khập khiễng.
Hãy tập trung vào hành trình của riêng bạn và ghi nhận những tiến bộ của bản thân, dù nhỏ hay lớn.
Chờ đợi “thời điểm hoàn hảo”
Chẳng có thời điểm nào hoàn hảo để bắt đầu bằng hiện tại. Việc chờ đợi chỉ khiến bạn trì hoãn và bỏ lỡ cơ hội mà thôi.
Hãy hành động ngay, dù chỉ là một bước nhỏ để tạo đà cho động lực.
Cắm mặt vào điện thoại và mạng xã hội
Việc lướt “tóp tóp” hay “phở bò”, “thờ rét” quá nhiều sẽ khiến bạn mất tập trung và lãng phí thời gian.
Hãy tự giới hạn bản thân thời gian sử dụng chúng, bạn có thể sử dụng các ứng dụng quản lý thời gian.
Áp lực quá mức với bản thân
Việc kỳ vọng không thực tế dễ khiến bạn cảm thấy thất bại, và việc này có thể làm tiêu tan sự tự tin và động lực của bạn.
Hãy chia nhỏ mục tiêu và chấp nhận rằng, việc thất bại đôi khi chỉ là một phần của quá trình học tập mà thôi.
Không có thời gian nghỉ ngơi phù hợp
Học hoặc làm việc liên tục mà không nghỉ ngơi có thể rút sạch sức lực, vô tình cũng cuốn phăng cảm giác hứng thú của bạn.
Hãy chủ động sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tôi thấy việc nghỉ 5 phút sau khi học 25 phút khá là ổn áp đấy. Bạn có thể thử xem.
6. Kết lại
Việc duy trì động lực học tập không chỉ nằm ở việc làm đúng mà còn ăn nhau ở chỗ bạn tránh được những sai lầm nữa hay không.
Hãy cẩn thận với những thói quen xấu và luôn nhớ rằng, sự kiên nhẫn, kỷ luật chính là chìa khóa đưa bạn tới thành công.
Việc tiếp cận với kiến thức giờ quá dễ dàng, nhưng tôi thấy áp lực việc học của các bạn càng ngày càng đáng sợ, không giống thời chúng tôi hàng chục năm về trước.
Vậy nên việc mất đi động lực học tập cũng hoàn toàn bình thường. Quan trọng là bạn biết cách làm sao tạo dựng và duy trì nó để vượt qua những khó khăn.
Đừng quên rằng, động lực học tập không phải là thứ bạn “tìm thấy”, mà chính là thứ mà bạn phải “xây dựng” mỗi ngày.
Hãy bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ như tôi đã đề cập bên trên, và nhớ giữ gìn sức khỏe đấy.
Khi mà bạn kiên trì áp dụng những phương pháp ở trên, tôi tin việc học sẽ không còn là gánh nặng mà sẽ trở thành một hành trình thú vị, mang lại cho bạn thành quả và bạn sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.
Cuối cùng tôi muốn bạn nhớ rằng, mỗi bước tiến, dù nhỏ bé nhất, đều là minh chứng cho nỗ lực của bạn.
Hãy bắt đầu ngay hôm nay để biến mục tiêu của bạn thành hiện thực.
Chào thân ái và quyết thắng!!