Chuyên viên Marketing, một vị trí công việc phổ biến mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy trên bất kỳ trang tuyển dụng nào hiện nay, cũng là một công việc quan trọng, khó có thể thiếu được trong bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào hiện nay, nó đóng một vai trò quyết định trong việc tạo nên thành công cho nhiều thương hiệu hàng đầu hiện nay.
Trong bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ với các bạn những thông tin quan trọng về vị trí này như vai trò, trách nhiệm, những kỹ năng cần thiết cũng như học ngành gì để ra trường làm chuyên viên marketing nhé.
1. Chuyên viên Marketing là gì?
Chuyên viên Marketing, tiếng Anh là Marketing Specialist hoặc Marketing Executive, là những người đảm nhận công việc lên kế hoạch, triển khai, theo dõi và đánh giá hiệu quả các chiến dịch marketing của công ty, doanh nghiệp hoặc một tổ chức.
Tầm quan trọng của chuyên viên marketing trong công ty là không phải bàn cãi, thể hiện qua những ý dưới đây:
- Thông qua các chiến dịch marketing nhắm vào các khách hàng tiềm năng để tìm ra những khách hàng thực sự quan tâm tới sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, từ đó giúp gia tăng doanh số bán hàng.
- Xây dựng và duy trì hình ảnh thương hiệu, tạo ấn tượng để khách hàng luôn nhớ đến thương hiệu của công ty mỗi khi nghĩ tới một sản phẩm hoặc một dịch vụ cụ thể.
- Thông qua các chiến dịch quảng cáo, các sự kiện và hoạt động truyền thông mà tạo nên những mối quan hệ thân thiết với khách hàng.
- Cung cấp các thông tin quan trọng về thị trường và khách hàng, góp phần giúp các “sếp” đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp và đúng đắn.
- Các chuyên viên marketing phải nghiên cứu thị trường thường xuyên nên có thể nắm bắt các xu hướng mới và hiểu rõ nhu cầu khách hàng.
2. Vai trò và trách nhiệm của chuyên viên marketing
Như mình đã đề cập ở trên, vai trò và trách nhiệm của những chuyên viên marketing trong công ty, tổ chức là quan trọng “khỏi phải nói”. Nhưng dưới đây mình vẫn đề cập chi tiết để các bạn hiểu rõ ràng hơn.
Vai trò phân tích thị trường
Để có thể hiểu rõ khách hàng muốn gì, khách hàng cần gì, các chuyên viên marketing cần phải phân tích thị trường, nắm bắt xu hướng cũng như để hiểu rõ hơn về các đối thủ cạnh tranh của công ty.
Thông qua đó, họ thu thập và phân tích dữ liệu về thị trường, khách hàng, đối thủ cùng các yếu tố có thể ảnh hưởng tới sản phẩm và dịch vụ của công ty.
Vai trò xây dựng chiến dịch marketing
Dựa vào các thông tin thu thập được từ qua trình phân tích thị trường, các chuyên viên marketing có thể xây dựng chiến dịch marketing bao gồm:
- Lựa chọn phân khúc thị trường mục tiêu;
- Định vị sản phẩm và lập kế hoạch cho các hoạt động marketing như quảng cáo, bán hàng và xây dựng mối quan hệ với khách hàng hoặc hợp tác phát triển với các đơn vị khác.
Nhiệm vụ triển khai và theo dõi chiến dịch
Sau khi đã xây dựng xong chiến dịch marketing, các “marketer” sẽ phải triển khai nó theo kế hoạch đã xây dựng trước đó.
Bên cạnh việc triển khai, họ cũng luôn phải theo dõi và sẽ điều chỉnh lại chiến dịch nhằm đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả nhất có thể và đạt được mục tiêu đã đề ra ban đầu, thậm chí là hơn.
Nhiệm vụ phân tích và báo cáo hiệu quả chiến dịch
Sau khi triển khai chiến dịch, các “chiên gia” marketing sẽ phải ngồi lại, cùng nhau phân tích dữ liệu và đánh giá độ hiệu quả theo mỗi mốc thời gian.
Với những chuyên gia marketing online, một số chỉ số quan trọng thường được họ xem xét như tỷ lệ click (click-through), tỷ lệ chuyển đổi, tỷ suất sinh lời (ROI) và một số chỉ số khác.
Thông qua phân tích hiệu quả chiến dịch, họ có thể lập một bản báo cáo chi tiết và trình bày kết quả, đánh giá hiệu suất, từ đó đề xuất sửa lại chiến dịch hoặc cải biến cho các chiến dịch tiếp theo.
3. Kỹ năng cần có của một chuyên viên marketing
Sau khi các bạn “va vấp” với nghề, các bạn sẽ có thể ngộ ra những kỹ năng quan trọng với nghề này. Dưới đây chỉ là một số trong nhiều kỹ năng bạn nên có thể làm một chuyên viên marketing thôi nhé:
- Kỹ năng phân tích dữ liệu
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng đọc hiểu các chỉ số trong các công cụ marketing số
- Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả.
4. Cơ hội và thử thách của một chuyên viên marketing
Ngành Marketing nói chung là một lĩnh vực rộng lớn và có tính đào thải rất nhanh, vậy nên nhân lực ngành này luôn phải học hỏi, trau dồi kiến thức mới để ngày một phát triển bản thân.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, marketing số ngày càng mở rộng và đã mang lại nhiều cơ hội cũng như các vị trí công việc mới cho các chuyên viên marketing.
Một trong những thách thức lớn nhất trong ngành marketing nói chung mà tôi thấy đó chính là việc thay đổi nhanh chóng của thị trường và công nghệ hiện nay, việc này đòi hỏi các bạn luôn phải trong trạng thái sẵn sàng “update” và thích nghi với những thay đổi này.
5. Học ngành gì để làm một chuyên viên marketing?
Theo tôi thấy, ngành mà bạn lựa chọn hoặc đang học không thật sự quyết định công việc sau khi ra trường của bạn là gì. Các cụ có câu “nghề chọn người”, vậy nên bất kể bạn học ngành gì cũng có thể làm một chuyên viên marketing được. Thứ quyết định nhất vẫn chính là kinh nghiệm thực tế, kỹ năng và sự hiểu biết về thị trường.
Đương nhiên, với những bạn học các ngành liên quan sẽ có một lợi thế tương đối so với những bạn làm trái ngành.
Một số ngành học liên quan tới marketing bạn có thể tham khảo như ngành Marketing, Marketing số, Quản trị kinh doanh, Quảng cáo, Truyền thông..v.v
Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của vị trí của chuyên viên marketing trong một tổ chức. Họ đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa thương hiệu và khách hàng, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường và tạo ra các chiến dịch marketing phù hợp.
>> Xem thêm: Ngành Quản trị kinh doanh là gì? Có nên học không?
>> Xem thêm: Ngành Quảng cáo và triển vọng phát triển trong tương lai
Để trở thành một chuyên viên marketing, bạn cần sở hữu một loạt kỹ năng từ phân tích dữ liệu, sáng tạo cho đến hiểu biết về công nghệ.
Tuy nhiên đừng quên rằng các kỹ năng này bạn không thể học qua sách vở mà cần có kinh nghiệm thực tế và sự cố gắng từng ngày.
Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm động lực để tìm hiểu, học tập và theo đổi sự nghiệp trong lĩnh vực này và trở thành một trong những chuyên viên marketing hàng đầu!
>> Xem thêm: Sự khác nhau giữa Marketing và Communications