Theo Trang Thông tin Chính phủ đưa tin, “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội” sẽ chính thức được chuyển đổi thành “Đại học Bách khoa Hà Nội”.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) là một trong những trường đại học kỹ thuật đầu tiên tại Việt Nam có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghiệp cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.
Trường được coi là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ; định hướng phát triển thành Đại học nghiên cứu ngang tầm với các đại học uy tín trên thế giới và trong khu vực.
Chính thức chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1512/QĐ-TTG chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và quy định pháp luật có liên quan; quá trình tổ chức lại phải đảm bảo hoạt động bình thường và không gây thất thoát hay lãng phí tài sản, tài chính.
Quyết định trên cũng sửa đổi khoản 4 Điều 1 Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 6/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
“Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập Hội đồng Đại học và công nhận Chủ tịch Hội đồng Đại học và công nhận Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.”
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: “Việc chuyển đổi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội không phải chỉ thay đổi về cái tên, cũng không phải để có một vị thế trong hệ thống.
Quan trọng nhất là bước chuyển này sẽ giúp Đại học Bách khoa Hà Nội có cơ hội đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong, tăng cường tính phân cấp để thực hiện đúng tinh thần tự chủ và nâng cao hiệu quả trong quản lý, nâng cao vị thế, trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn và các trường trực thuộc.
Từ đó tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, phát huy sức mạnh của đội ngũ giảng viên, của các đơn vị chuyên môn.”
Vì sao việc chuyển cấp “trường đại học” thành “đại học” là cần thiết với ĐHBK Hà Nội?
Đại học Bách khoa Hà Nội có quy mô rất lớn. Các trường trực thuộc cũng có quy mô từ 5.000 – 8.000 sinh viên, không kém gì một trường độc lập khác. Do vậy, việc trao cho các trường trách nhiệm, quyền hạn lớn hơn là điều rất cần thiết.
Mô hình của Đại học Bách khoa Hà Nội rất phù hợp với các mô hình của các đại học lớn trên thế giới, trong đó các trường và các viện trực thuộc được phân quyền cao hơn.
Trước đây, trường Đại học Bách khoa Hà Nội có tới 20 đơn vị chuyên môn (gồm 17 viện và 3 khoa). Qua quá trình chuyển đổi thành 3 trường và một số khoa, viện như hiện nay đã giảm đi 4-5 đơn vị chuyên môn.
Lương và phụ cấp của các vị trí này do nhà trường tự chi trả, không gây phát sinh cho Ngân sách Nhà nước.
Vị trí hiệu trưởng các trường trực thuộc không tương đương với hiệu trưởng một trường đại học có tư cách pháp nhân như các trường bên ngoài.
Việc cấu trúc lại các khoa, viện trước đây thành các trường trực thuộc với quy mô lớn hơn sẽ tạo nên tính liên ngành tốt hơn, qua đó giúp phát huy sức mạnh về đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học công nghệ.
Việc chuyển đổi này đã được Đại học Bách khoa Hà Nội chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cẩn trọng, là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài ở Đại học Bách khoa Hà Nội, được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đảm bảo sự phát triển đúng với định hướng, tầm nhìn và chiến lược phát triển của nhà trường qua nhiều thế hệ.
Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở mỗi đơn vị; thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm “Một Bách khoa Hà Nội“. Quan điểm này thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn đại học.
Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định.
Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của trường.
Ý nghĩa của việc chuyển đổi
Với phương châm “Nhà trường làm nền tảng – Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển – Người học là trung tâm”, Đại học Bách khoa Hà Nội có môi trường làm việc quốc tế hóa, là nơi hội tụ và phát triển tài năng, thu hút sinh viên ưu tú, tài năng, các học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc; một trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực, tác động quan trọng và phát triển kinh tế tri thức và góp phần gìn giữ hòa bình đất nước, tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam về xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển mô hình đào tạo chia sẻ trên nền tảng chuyển đổi số hiện đại.
Việc chuyển đổi mô hình thành Đại học Bách khoa Hà Nội để thực hiện tốt sứ mạng, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, đưa Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển đột phá, lên tầm cao mới, trở thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tự chủ toàn diện, có môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở, tự do học thuật, khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ viên chức, người lao động, sinh viên và học viên toàn đại học, phát huy giá trị văn hóa, bản sắc con người Bách khoa Hà Nội.
Một số thông tin thêm về Đại học Bách khoa Hà Nội
Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có 1.785 cán bộ trong đó có 1.065 cán bộ giảng dạy hữu cơ, 805 cán bộ có trình độ tiến sĩ (chiếm 76.3%) trong đó có 279 GD/PGS (26,19%). Năm 2022, trường có 16 phó giáo sư, 2 giáo sư được công nhận đạt chuẩn.
Tháng 11/2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vinh dự nhận Cờ thi đua của Chỉnh phủ vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm học 2020 – 2021, dẫn đầu các cụm thi đua của Bộ GD&ĐT, nhiều giảng viên, cán bộ nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và Bằng khen của Bộ GD&ĐT.
Theo Bảng xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Sumonds (QS) năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 33% các đại học tốt nhất Châu Á. Tổ chức QS xếp Đại học Bách khoa Hà Nội vào nhóm các trường đại học công có quy mô đào tạo rất lớn với mức độ nghiên cứu rất cao.
Trong Bảng xếp hạng đại học khu vực Đông Nam Á mới gần nhất được công bố, Đại học Bách khoa Hà Nội xếp hạng 54 trong số các đại học tốt nhất khu vực,
Trước đó, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng được xếp hạng thứ 360 thế giới và số 1 Việt Nam về lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ theo bảng xếp hạng đại học thế giới theo nhóm ngành năm 2022 của QS. Cả 5 nhóm ngành được xếp hạng năm nay của Đại học Bách khoa Hà Nội bao gồm: Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật cơ khí, Hàng không và chế tạo, Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, Toán học, Khoa học vật liệu đều tăng hạng, đứng đầu Việt Nam và xếp vị trí từ 300 – 450 tốt nhất thế giới.
Theo fanpage Thông tin Chính phủ
Xem thêm: Thông tin tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội 2023